Honduras: Sóng gió chưa lặng

Ngày 29-6, nội các lâm thời của Honduras đã tuyên thệ nhậm chức. Song sóng gió tại chính trường nước này vẫn chưa lặng khi họ phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong lẫn ngoài.

Về đối ngoại, Tổ chức Sự lựa chọn Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) họp khẩn cấp về tình hình Honduras ra tuyên bố, triệu hồi đại sứ của mình tại Honduras nhằm cô lập chính phủ lâm thời. Tổng thống El Salvador Mauricio Funes ra lệnh đóng cửa sứ quán nước này.

Bộ Ngoại giao Brazil cũng thông báo đại sứ của nước này sẽ không quay lại Honduras cho tới khi ông Zelaya được phục chức. Nicaragua tạm thời đóng cửa biên giới vô thời hạn. Các thành viên ALBA cùng nhất trí không thừa nhận quyết định phế truất và lập tổng thống tạm quyền của Quốc hội Honduras.

Chính phủ Mỹ đã ra thông báo khuyến cáo các công dân Mỹ không nên tới Honduras. Đồng thời, khuyên mọi công dân Mỹ đang ở Honduras hạn chế đi lại, kêu gọi họ tuân thủ lệnh giới nghiêm tại đây.

Trong nước, những người ủng hộ Tổng thống M.Zelaya đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn đòi phục chức cho ông, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo động khi người biểu tình quá khích đốt phá đường phố thủ đô, xung đột với cảnh sát, có tin cho biết một số người còn tấn công và khống chế một phần đài truyền hình. Một bộ phận dân chúng vì lo ngại tình hình sẽ căng thẳng hơn nên đổ xô tới các siêu thị mua hàng hóa, thực phẩm, xăng dầu để tích trữ phòng khi nguy cấp.

Lý giải việc các nước và đa số người dân Honduras hết lòng ủng hộ Tổng thống M.Zelaya, nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng, việc ông M.Zelaya tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ngày 28-6 không nhằm mục đích tái cử vĩnh viễn hay cải cách Hiến pháp mà là “thăm dò dư luận không bắt buộc” để xem người dân Honduras có muốn nhân cuộc bầu cử tổng thống sắp tới bỏ phiếu cho việc thành lập hội đồng lập hiến sửa đổi Hiến pháp hay không? Tổng thống M.Zelaya sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 11-2009, do đó thời gian còn lại không đủ cho việc thay đổi Hiến pháp để ông Zelaya có thể tái cử.

Hơn nữa, chính ông cũng nhiều lần tuyên bố công khai không có ý định tái cử. Từ khi lên nắm quyền, ông M.Zelaya đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ người nghèo, chú trọng phát triển kinh tế, đối ngoại ôn hòa theo xu hướng cánh tả của khu vực Mỹ Latinh nên được lòng cả trong lẫn ngoài.

Quốc hội Honduras mâu thuẫn với Tổng thống Zelaya chủ yếu vì ông là ứng cử viên của đảng Tự do (trung hữu) nhưng gần đây lại áp dụng các chính sách cánh tả và trở thành đồng minh của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez.

Quốc hội Honduras thông qua đạo luật cấm tổ chức thăm dò dư luận trong vòng 180 ngày trước khi bầu cử. Đây là quy định mang tính tình thế nhằm ngăn chặn Tổng thống Zelaya tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, ông M.Zelaya vẫn tổ chức cuộc bỏ phiếu ngày 28-6 với lý do đây chỉ là cuộc thăm dò dư luận mang tính tự nguyện. Phe đối lập cho rằng, cuộc thăm dò này có ý đồ và bị một cơ quan trực thuộc phủ tổng thống thao túng .

VIỆT ANH
 

Tin cùng chuyên mục