Hội nghị quan chức cao cấp APEC 2017
>> Ngày thứ 2 làm việc của Hội nghị cao cấp APEC 2017: Nghị trường “nóng” chuyện tham nhũng
(SGGPO).- Sáng 21-2, bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 (trong khuôn khổ Hội nghị APEC 2017), Bộ Tài chính Việt Nam chủ trì Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”, diễn ra tại Khu du lịch Vinpearl, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Quang cảnh buổi hội thảo
Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm các quan chức tài chính APEC, chuyên gia từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Diễn đàn Phát triển Bảo hiểm (IDF) và các doanh nghiệp bảo hiểm...
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lượng và Chính sách tài chính – Bộ Tài chính nhấn mạnh, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là nơi có nguy cơ cao nhất về thiên tai, thảm họa. Thiệt hại về vật chất của khu vực này chiếm đến 45% tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu. Để ứng phó với thiên tai, Chính phủ các nước phải bỏ ra một khoản ngân sách không nhỏ, tuy nhiên, khoản ngân sách này được đánh giá mới chỉ bù đắp được trung bình khoảng 30% các thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra. Do đó việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro DFRI là vô cùng cần thiết, để chuyển giao rủi ro, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Các chính sách thu ngân sách đối với rủi ro thiên tai mang tính chất khắc phục hậu quả sau thiên tai thông qua việc miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí nhằm giảm bớt chi phí đối với các tổ chức, cá nhân phải gánh chịu hậu quả của thiên tai, tạo điều kiện để họ có thể khôi phục sản xuất, đời sống.
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo
So với các nước trên thế giới thì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi rủi ro thiên tai. Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, trong năm 2016 đã có 17 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông gây thiệt hại nặng nề cho đất liền; sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi; dông, lốc, sét xảy ra ở các vùng miền trên cả nước. Đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục kéo dài từ cuối năm 2015 đến năm 2016 khiến nhiều diện tích đất sản xuất, gần 300.000 hộ dân thiếu nước ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây nguyên. Tiếp đó là 5 đợt mưa lũ lớn diễn ra liên tiếp ở các tỉnh miền Trung. Đã có 264 người chết và mất tích, hơn 5.000 nhà bị đổ, sập, trôi... do thiên tai. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng gần 40.000 tỷ đồng.
“Việt Nam đã từng bước chủ động, triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, nhất là hoàn thiện, bổ sung hệ thống luật pháp, chính sách về phòng, chống thiên tai. Qua đó, thiệt hại về người và tài sản trong 5 năm 2011-2015 đã giảm đáng kể, số người chết và mất tích giảm 53%, thiệt hại vật chất giảm 32% so với giai đoạn 2006-2010”, ông Hoài thông tin thêm.
Tại hội thảo lần này, trên cơ sở các trụ cột ưu tiên quốc gia và Kế hoạch hành động Cebu (được APEC thông qua năm 2015 tại thành phố Cebu, Philippines), vấn đề “Tài chính và Bảo hiểm cho rủi ro thiên tai” được lựa chọn là một trong những chủ đề ưu tiên của Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017, dự kiến diễn ra ngày 23-2 trong khuôn khổ Hội nghị APEC. Theo đơn vị chủ trì, hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn tập trung thảo luận về tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai, tăng cường năng lực giải quyết hậu quả rủi ro thiên tai và giảm thiểu gánh nặng chi ngân sách cũng như rủi ro đối với tài sản nhà nước. Hội thảo cũng hướng tới việc xây dựng Chương trình giải pháp tài chính rủi ro thiên tai và các mô hình đánh giá rủi ro thiên tai nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai.
Nội dung trao đổi chuyên sâu tại hội thảo được đúc kết thành bản báo cáo ban đầu, đưa ra kiến nghị lên Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tổ chức vào ngày 23 và 24-2. Ngoài ra, chủ đề trao đổi của hội thảo còn được thảo luận và xây dựng kế hoạch triển khai cho cả Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017. Theo đó, sáng kiến kinh nghiệm chia sẻ về chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai trong khu vực APEC sẽ được ghi nhận và thông qua bởi các Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 10-2017.
| |
Văn Ngọc