Hợp long cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền

Ngày 1-9, tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), Tổng Công ty Đầu tư & Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp, tổ chức lễ hợp long cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền. 

 Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền sắp hoàn thành
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền sắp hoàn thành

Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, nối địa phận TP Cao Lãnh với huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cách bến phà Cao Lãnh khoảng 800 mét về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35 km về phía thượng lưu.

Cầu Cao Lãnh có chiều dài 2.014m, gồm phần cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây, dầm cầu bê tông cốt thép, chiều dài nhịp chính 350m, nhịp thông thuyền 37,5m; trụ tháp hình chữ H có chiều cao 123,4m, phần cầu dẫn dài 1.364 m; mặt cầu rộng 24,5m, gồm 4 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ được thiết kế tách làn, đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác.

Tổng kinh phí xây dựng 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia là 160 triệu USD, còn lại là vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Ông Trần Văn Thi, Tổng Công ty Đầu tư & Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết: “Sau 41 tháng thi công, 2 bờ sông Tiền nay đã được nối liền, đáp ứng mong mỏi bao năm của người dân Đồng Tháp và ĐBSCL. Bằng việc hợp long cầu Cao Lãnh, các hạng mục chính của công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng”. Tham dự buổi hợp long cầu Cao Lãnh, bà Elizabeth Wright, Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết: “ Kinh doanh thương mại tại khu vực ĐBSCL là một tiềm năng to lớn cho sự phát triển. Cơ sở hạ tầng chất lượng tốt, cây cầu tốt sẽ giúp giảm được chi phí giao thông đi lại và kết nối với các thị trường mới. Cây cầu cũng tạo ra cơ hội đầu tư, thương mại mới cho các doanh nhân, trong đó có các nhà đầu tư Australia -  những người mong muốn làm ăn lâu dài với Việt Nam. Bởi Việt Nam là đối tác thương mại có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong khối ASEAN”.

Theo chủ đầu tư, cùng với hợp long cầu Cao Lãnh thì các đường dẫn 2 bên cầu cũng được khẩn trương thi công; hiện đường dẫn phía huyện Lấp Vò dài hơn 1,6km đã hoàn thành 88%, đường dẫn phía TP Cao Lãnh xong 85%, cố gắng hoàn thành trong tháng 10 để cầu Cao Lãnh có thể đưa vào sử dụng trong tháng 11-2017, khi đó bến phà Cao Lãnh sẽ ngừng hoạt động.

Sau khi công trình cầu Cao Lãnh (cùng với cầu Vàm Cống - khởi công tháng 9-2013, tổng vốn đầu tư 271 triệu USD, bắc qua sông Hậu, nối liền huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) hoàn thành, sẽ kết nối thông suốt trung tâm ĐBSCL với các vùng, miền trong cả nước; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh cho khu vực. 

Tin cùng chuyên mục