Hợp tác sản xuất và xuất khẩu phim Việt: Cửa đã mở, nhưng…

Hiện nay, phim Việt - cả phim điện ảnh lẫn phim truyện truyền hình được sản xuất đều đặn, số lượng tăng hàng năm và không hiếm bộ phim điện ảnh đạt doanh thu phòng vé “khủng”, cá biệt có phim doanh thu còn lấn át cả phim nước ngoài. Điện ảnh Việt Nam đã khởi sắc, nhưng đến khi nào phim Việt mới đủ sức có mặt tại các rạp chiếu phim nước ngoài, chí ít cũng là các quốc gia châu Á láng giềng? Câu hỏi và mong muốn ấy xem ra còn rất lâu mới có câu trả lời.
Hợp tác sản xuất và xuất khẩu phim Việt: Cửa đã mở, nhưng…

Hiện nay, phim Việt - cả phim điện ảnh lẫn phim truyện truyền hình được sản xuất đều đặn, số lượng tăng hàng năm và không hiếm bộ phim điện ảnh đạt doanh thu phòng vé “khủng”, cá biệt có phim doanh thu còn lấn át cả phim nước ngoài. Điện ảnh Việt Nam đã khởi sắc, nhưng đến khi nào phim Việt mới đủ sức có mặt tại các rạp chiếu phim nước ngoài, chí ít cũng là các quốc gia châu Á láng giềng? Câu hỏi và mong muốn ấy xem ra còn rất lâu mới có câu trả lời.

Cơ hội hợp tác

Hàng năm, điện ảnh Việt Nam đều có đại diện tham gia các liên hoan phim quốc tế lớn, nhỏ khác nhau, như: Cannes, Berlin, Venezia, Toronto, Karlovy Vary, Durban, Thượng Hải... và không ít bộ phim đã “làm nên chuyện” tại các liên hoan phim quốc tế này. Việt Nam cũng đã tổ chức được Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội - HANIFF (2 năm một lần) mà quy mô cũng như uy tín của liên hoan phim này ngày càng được củng cố, phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của bạn bè quốc tế. Điện ảnh Việt cũng tham gia khá nhiều các hội chợ phim quốc tế, tuy việc góp mặt này không hoành tráng (vì ít tiền, thiếu phim hay...), nhưng cũng đã giới thiệu với bạn bè thế giới biết đến điện ảnh Việt Nam.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, những người làm nghề đã có cơ hội được tham gia hợp tác làm việc với một số đoàn phim nổi tiếng của nước ngoài, như: Đông Dương, Người tình, Người Mỹ trầm lặng... Gần cuối những năm 2000, một lớp đạo diễn Việt kiều trẻ về nước làm phim đã tạo thành “một làn sóng mới” trong phim Việt, góp phần rất lớn vào việc thay đổi tư duy, phong cách làm phim. Phim Việt giờ phong phú hơn cả về đề tài lẫn cách thể hiện, tiếp cận và được khán giả chú ý, đón nhận, “hiện tượng phòng vé” không còn là chuyện lạ.

Ở mảng phim truyền hình cũng có những thay đổi tích cực, với mong muốn phim không chỉ đáp ứng yêu cầu về thời lượng phát sóng, mà còn đảm bảo chất lượng nội dung. Để thay đổi “khẩu vị” cho khán giả màn ảnh nhỏ, việc hợp tác làm phim với nước ngoài cũng được một số đài truyền hình quan tâm hơn. Mở đầu là Đài Truyền hình TPHCM (HTV) với bộ phim sitcom Lẵng hoa tình yêu - sản phẩm hợp tác giữa Hãng phim TFS và Công ty FNC (Hàn Quốc). Rồi đến Mùi ngò gai - phim dài hơn 100 tập, được học tập theo cách làm phim của Hàn Quốc. Tiếp đến là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), hợp tác với Nhật Bản làm phim 90 phút Người cộng sự, với Hàn Quốc làm phim Tuổi thanh xuân (36 tập) và mới đây VTV tiếp tục hợp tác với Nhật Bản thực hiện bộ phim Khúc hát mặt trời (24 tập).

Cơ hội đã có, tuy nhiên sau quá trình vận động, “con tàu” cho phim Việt vẫn ì ạch không thể chạy nhanh hơn.

Phim Khúc hát mặt trời (VTV hợp tác sản xuất với Nhật Bản)

Vướng mắc, rào cản

Thật sự, việc hợp tác làm phim điện ảnh với nước ngoài thời gian qua, phía Việt Nam chỉ mới dừng ở việc làm dịch vụ cho các đoàn phim mà thôi. Đạo diễn Lê Lâm, Giám đốc Nghệ thuật, Giáo sư Trường Điện ảnh Pháp IDHEC, cho rằng: “Đã đến lúc phải đặt vấn đề hợp tác làm phim với nước ngoài một cách sòng phẳng trong việc đầu tư, chứ không chỉ là làm dịch vụ và cho họ thuê bối cảnh. Có những phim họ tài trợ một phần kinh phí bằng việc giúp ta làm hậu kỳ, nhưng cái ta cần chính là việc phải có người Việt Nam tham gia vào những mắt xích quan trọng trong ê kíp làm phim, như: quay phim, đạo diễn, biên kịch, hóa trang, điều hành sản xuất. Có như thế ta mới tiếp cận, học hỏi trực tiếp được cách làm phim chuyên nghiệp của họ để ít nhiều áp dụng những điều học được ấy cho việc sản xuất phim Việt”.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, chia sẻ: “Việc hợp tác làm phim đã được tiến hành từ đầu những năm 1990. Đã có những bộ phim lớn được thực hiện như Đông Dương, Người tình, Điện Biên Phủ, Người Mỹ trầm lặng... nhưng chưa có bước phát triển đột phá. Do ta chưa quảng bá thường xuyên và hiệu quả về thế mạnh của bối cảnh, nguồn nhân lực của điện ảnh Việt Nam. Chưa có chính sách ưu đãi thuế đối với các đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam, do còn nhiều vướng mắc trong quy định tài chính”. Chính những vướng mắc này mà thời gian qua, phía Việt Nam đã bỏ lỡ một số cơ hội tốt trong việc hợp tác làm phim điện ảnh với nước ngoài.

Ở mảng phim truyện truyền hình, VTV có nhiều thuận lợi hơn. Nói về các dự án phim hợp tác, Giám đốc Hãng phim VFC - đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết: “Kinh phí đầu tư các bộ phim này được chia đều (50-50). Việc hợp tác làm phim đã giúp nâng cao kỹ năng làm phim theo hướng chuyên nghiệp. Anh em làm nghề học hỏi được tư duy, phong cách làm việc của họ, giúp anh em có tư duy đa dạng hơn. Thông qua bộ phim chúng ta giới thiệu được hình ảnh đất nước và văn hóa dân tộc mình”.

Trong khi đó, HTV lại chưa có dấu hiệu khả quan. “Chúng tôi mới chỉ hợp tác trong việc sản xuất phim tài liệu, chưa có phim truyện”, đạo diễn Lý Quang Trung, Giám đốc Hãng phim TFS cho biết. Khó khăn lớn nhất vẫn là chưa thỏa thuận được quyền lợi ra sao, đầu tư kinh phí cho bộ phim thế nào... Việc tìm nội dung, câu chuyện phim phù hợp cho cả Việt Nam lẫn đối tác nước ngoài cũng là một vấn đề.

Giấc mơ xuất khẩu phim Việt

Thông tin bộ phim Bẫy rồng được phát trên kênh HBO châu Á đã tạo nhiều niềm vui, sự phấn khích, chờ đợi nhất định cho người làm nghề lẫn khán giả trong nước. Có lẽ đó là do tâm lý thấy hãnh diện vì phim Việt đã có thể “chen chân” lên sóng một kênh truyền hình quốc tế lớn như HBO. Cũng bởi vì trước đó, nhiều phim Việt được các đơn vị sản xuất, nhà phát hành đem chào bán ở các hội chợ phim quốc tế, nhưng rất ít thông tin phản hồi về việc phim Việt thật sự có bán được không? Bán giá bao nhiêu? Bán được cho những nước nào? Phương thức chiếu của họ ra sao?

Có nhiều lý do để phim Việt chưa thể xuất khẩu đàng hoàng, mà một trong những lý do quan trọng, đó là so với thế giới thì phim Việt chưa đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật, chưa nói đến việc chọn nội dung, đề tài đủ sức thu hút khán giả quốc tế. Với kinh nghiệm của người hoạt động lâu năm trong nghề, tại môi trường làm việc hết sức chuyên nghiệp ở Pháp, đạo diễn Lê Lâm từng chia sẻ: “Tôi thấy phần nghệ thuật của phim Việt hiện nay còn yếu. Nghệ thuật tượng trưng cho tinh thần, tâm hồn, văn hóa dân tộc, phản ánh những thứ thuần túy, đặc trưng riêng biệt của nước ta, trong con người chúng ta. Nếu xem phim Việt mà thấy những hình ảnh, vấn đề chẳng khác gì nước ngoài thì còn gì đặc biệt, còn gì là dấu ấn”. Chính những hạn chế này khiến việc xuất khẩu phim Việt chưa được như mong đợi.

Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Bà Ngô Phương Lan cũng nhìn nhận: “Xuất khẩu phim Việt Nam đã manh nha và ngày càng có xu hướng phát triển nhưng chưa đạt kỳ vọng. Công ty FAFIM có chức năng phát hành và xuất khẩu phim, nhưng không hoạt động được trong cơ chế thị trường. Các hãng phim nhà nước còn hạn chế trong khâu tiếp thị nên chủ yếu việc xuất khẩu phim ảnh do các công ty tư nhân thực hiện. Cục Điện ảnh đang có kế hoạch hợp tác với các công ty này để đẩy mạnh xuất khẩu phim Việt. Mới đây, dự án phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được Công ty Fortissimo Films (Pháp) nhận làm đại diện phát hành chính thức tại thị trường quốc tế là dấu hiệu đáng mừng. Cục cũng đang tính đến việc có gian hàng chào bán phim Việt Nam tại các liên hoan phim và hội chợ phim lớn trên thế giới, nhưng còn rất khó khăn về kinh phí”.

Dù phim Việt còn nhiều hạn chế, nhưng các hãng phim, nhà phát hành phim tư nhân đều “tự thân vận động”, cố gắng tìm cách đưa phim Việt ra với thị trường nước ngoài. Mới đây nhất, nhà sản xuất Skyline Media, chủ đầu tư của các phim Chung cư ma, Ngủ với hồn ma thông tin: “Ngủ với hồn ma sẽ được chiếu thương mại tại gần như tất cả các cụm rạp ở các nước như Campuchia từ ngày 4-6, Malaysia từ ngày 25-6, tháng 9 tại Indonesia và tháng 10 tại Singapore. Chung cư ma cũng sẽ lên sóng kênh phim truyện HBO châu Á”.

Như Hoa

Tin cùng chuyên mục