Hướng đến tăng trưởng xanh

Với tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, Bình Phước cũng như nhiều tỉnh ở Việt Nam phải gánh chịu tổn thất nặng nề từ thiên tai như giông lốc xoáy, khô hạn kéo dài, lũ lụt, sạt lở đất… thiệt hại hàng chục tỷ đồng/năm.

Vì thế, tỉnh đã đề ra kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh bền vững, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời. Với số giờ nắng bình quân 2.500 giờ/năm, Bình Phước có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời với những dự án quy mô lớn hàng ngàn MW đang vận hành và còn nhiều dư địa phát triển. Tỉnh đề ra mục tiêu hàng năm tiết kiệm ít nhất 2% tổng sản lượng điện tiêu thụ, nâng cao vai trò của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước qua việc xây dựng Đề án hỗ trợ trang thiết bị giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn sử dụng năng lượng an toàn, tiết kiệm.

Tiểu ban tăng trưởng xanh EuroCham (Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) đánh giá cao việc tỉnh Bình Phước xem xét phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và mô hình điện “sau công tơ” để truyền năng lượng từ công ty này sang công ty khác như một ưu tiên trong giai đoạn 2024-2027, với mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà văn phòng và 50% nhà ở sử dụng điện mặt trời mái nhà, góp phần giảm giá thành, không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia.

Theo EuroCham, Việt Nam có thể nắm bắt xu thế và hưởng lợi từ nông nghiệp sinh thái. Đó là cần giảm sử dụng thuốc trừ sâu vì tác động tiêu cực đến an toàn thực phẩm và xuất khẩu; áp dụng canh tác hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; hỗ trợ tài chính và tăng cường nghiên cứu chính sách. Để tận dụng lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam phải đảm bảo an toàn thực phẩm bằng cách tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của EU...

Là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi, chế biến thực phẩm, nhưng theo khuyến cáo của EuroCham, để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh cần sớm phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn EU cho tất cả các bên gồm nông dân, nhà chế biến thực phẩm, chuyên gia thú y... để mọi người hiểu rõ, cùng hợp tác và thực hiện giám sát chặt chẽ. Trong đó, cần thúc đẩy phương pháp điều trị thay thế bằng tiêm chủng, an toàn sinh học, dựa vào thiên nhiên để giảm nhu cầu kháng sinh, đảm bảo tính bền vững của ngành sản xuất thực phẩm.

Tin cùng chuyên mục