Người Hoa ở TPHCM

Hướng tới sự ổn định, hòa hợp và gắn bó lâu dài

Hướng tới sự ổn định, hòa hợp và gắn bó lâu dài

Với bản tính năng động, nhạy bén trong lĩnh vực kinh tế, hàng chục năm qua, các doanh nghiệp người Hoa ở TPHCM đã góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế và các hoạt động văn hóa, xã hội ở TP, thực hiện có kết quả các nghị quyết của Thành ủy TPHCM.

  • Khẳng định những thương hiệu mạnh

Hướng tới sự ổn định, hòa hợp và gắn bó lâu dài ảnh 1

Xưởng sản xuất bánh kẹo của Công ty Kinh Đô - một doanh nghiệp phát đạt của người Hoa.

TPHCM có hơn 400.000 bà con người Hoa (chiếm 6,69% số dân ở TPHCM), trong đó, khoảng 192.400 hộ kinh doanh cá thể và lập cơ sở sản xuất tư nhân, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp cá thể ở TPHCM.

Ở các quận 5, 6, 11, tỷ lệ trên thường chiếm từ 40%-70% và hàng năm, các đơn vị kinh tế này đóng góp trên dưới 60% tổng sản lượng ở khu vực cá thể. Những năm qua, các doanh nghiệp người Hoa đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, hình thành các khu vực đầu mối cung ứng hàng hóa cho cả khu vực phía Nam như chợ Kim Biên, Thương xá Đồng Khánh, khu phố Đông y, chợ An Đông.

Nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu mạnh vượt ra khỏi TPHCM và một số nước trong khu vực như giày Bitis, Bitas, dệt Thái Tuấn, bánh Kinh Đô, bút bi Thiên Long, vở tập Vĩnh Tiến… Có doanh nghiệp người Hoa được TPHCM chọn tham gia 100 ngành hàng chủ lực của TPHCM.

Đáng chú ý, trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều kiều bào gốc Hoa trở về quê hương Việt Nam đầu tư và sinh sống tại TPHCM. Sự chuyển động này là nhờ một phần Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với kiều bào về đầu tư trong nước, nhưng cạnh đó, có nguyên nhân sâu xa từ các mối quan hệ với các doanh nghiệp người Hoa ở TPHCM.

Trong quá khứ cũng như hiện tại, doanh nghiệp người Hoa ở TPHCM có quan hệ hợp tác làm ăn và quan hệ thân tộc khá chặt chẽ với Hoa kiều nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan. Mới đây, một số đoàn doanh nghiệp, nhóm ngôn ngữ người Hoa ở TP còn tham gia các hoạt động nghiên cứu thị trường, hội nghị ngôn ngữ tiếng Hoa thế giới tại Trung Quốc và một số nước khu vực ASEAN… Nhận định các vấn đề trên, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: sự ổn định, hòa hợp, gắn bó lâu dài là xu hướng chính hiện nay trong người Hoa ở TPHCM.

  • Khi đời sống tinh thần được chú trọng

Có được xu hướng ổn định, hòa hợp, gắn bó lâu dài trong người Hoa, một phần là do TPHCM trong nhiều năm liền luôn quan tâm đến phát triển giáo dục, dạy nghề, hội đoàn, hoạt động văn hóa nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo của người Hoa ở TPHCM. Chính điều này lại góp phần “tạo điều kiện và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh người Hoa trong phát triển kinh tế”.

Hiện nay, người Hoa ở TPHCM có 66 hội đoàn quần chúng và đại bộ phận có nguồn gốc hình thành từ lâu đời, gắn bó với người Hoa trên các lĩnh vực đời sống xã hội, như: hoạt động nghề nghiệp, văn hóa nghệ thuật, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo, đồng hương, đồng họ và các hoạt động từ thiện khác. Đây là loại hình tập hợp đặc thù của người Hoa, có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng nhằm giúp đỡ nhau làm ăn, sinh hoạt văn hóa dân tộc và các lễ hội tín ngưỡng dân gian.

Đồng chí Dương Quan Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM cho biết: “TPHCM luôn khuyến khích các hội quán người Hoa đẩy mạnh hoạt động nhân đạo, từ thiện, tham gia các cuộc vận động vì người nghèo, khuyến học. Nhiều năm nay, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trong người Hoa được chính quyền TPHCM tạo điều kiện nên các sinh hoạt tín ngưỡng diễn ra mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc”.

Các hoạt động sinh hoạt văn hóa phát triển lành mạnh đã góp phần ổn định tư tưởng của người Hoa, hướng họ tới sự hòa nhập, đoàn kết gắn bó với người Kinh ở cộng đồng dân cư.

TRẦN TOÀN

Những địa chỉ cần thiết với doanh nhân người Hoa

- Chi hội Doanh nghiệp Việt kiều người TPHCM: có nhiệm vụ làm đầu mối thông tin, huy động nguồn lực Việt kiều gốc Hoa đầu tư, hợp tác kinh doanh tại thành phố; xây dựng, tạo lập mối quan hệ kinh tế giữa hội viên chi hội với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tổ chức các cuộc giao lưu chuyên đề ngành hàng, tìm hiểu thăm dò cơ hội đầu tư; phản ánh các kiến nghị và đề xuất các biện pháp với Nhà nước Việt Nam, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các hội viên; thường xuyên thông tin những chính sách về kinh tế, chính sách ưu đãi đối với Việt kiều của Nhà nước.

- Trung tâm Tư vấn - Dịch vụ phát triển kinh tế Chợ Lớn: làm nhiệm vụ tư vấn - dịch vụ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là trong cộng đồng người Hoa về các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế; giới thiệu, hướng dẫn, mời gọi đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp người Hoa và Hoa kiều ở các nước; cung cấp các thông tin về chính sách, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Tổ chức tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý đối với các doanh nghiệp trong các hoạt động kinh tế.

Tin cùng chuyên mục