Viết tiếp vụ cán bộ xã biến đất công thành “đất ông”

Huyện Tân Hưng cũng chia chác đất công !?

Lập quỹ đất công cấp cho cán bộ
Huyện Tân Hưng cũng chia chác đất công !?

Những tưởng vấn đề tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng quỹ đất công ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An chỉ dừng lại ở cấp xã, nào ngờ lãnh đạo huyện cũng làm sai. Huyện đã lấy trên 330 ha quỹ đất công ở hai xã Vĩnh Châu A và Vĩnh Lợi cho cán bộ thuê với giá rẻ. Sau đó, một số cán bộ đã cho dân nghèo thuê lại với giá đắt hơn 14 lần.

Lãnh đạo xã Vĩnh Châu A chỉ điểm khu đất được huyện Tân Hưng cấp cho CB-CNV.

Lãnh đạo xã Vĩnh Châu A chỉ điểm khu đất được huyện Tân Hưng cấp cho CB-CNV.

Lập quỹ đất công cấp cho cán bộ

Năm 1994, huyện mới Tân Hưng được thành lập từ quyết định tách huyện Vĩnh Hưng. Do quỹ đất công không nhiều nên lãnh đạo huyện Tân Hưng xin tỉnh cho cắt một phần vùng đệm của Lâm ngư trường Tân Hưng (nay là Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, trên địa bàn xã Vĩnh Châu A và xã Vĩnh Lợi) với diện tích gần 400 ha để làm quỹ đất công. Mục đích là dùng quỹ đất này bồi thường cho dân khi huyện thu hồi đất xây dựng những công trình mới.

Chủ trương là thế nhưng sau khi được tỉnh cho phép, năm 1997, lãnh đạo huyện Tân Hưng lại ra “chủ trương mới”: Lấy quỹ đất công cấp cho cán bộ công nhân viên (CB-CNV) của huyện, để anh em “cải thiện đời sống”. Theo đó, mỗi cán bộ có gia đình được cấp 1,5 ha, độc thân  1 ha. Cứ thế, 238 CB-CNV của huyện được UBND huyện Tân Hưng cấp cho 332,5 ha đất.

Tuy nhiên, việc cấp đất cũng có “ngoại lệ” khi nhiều cán bộ chủ chốt được cấp “vượt hạn điền”. Ông Lương Thanh Hải (Phó Chủ tịch UBND huyện thời điểm đó) nhận 10 ha, ông Nguyễn Văn Bãnh (Huyện đội trưởng, nay đã nghỉ hưu) được cấp 3,5 ha, ông Phan Hữu Hạnh (Trưởng Công an huyện, nay là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Long An) được 3 ha.

Một số cán bộ  ngoài huyện cũng được cấp đất như ông Lê Văn Đạt (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, đã nghỉ hưu) được cấp 2 ha, ông Nguyễn Hữu Hồng (Giám đốc Công ty Thương mại Vĩnh Hưng, hiện là Trưởng phòng Tài chính huyện) và 4 cán bộ của công ty này cũng được cấp mỗi người 2 ha.

Cho dân nghèo thuê lại giá cao

Năm 2007, hết thời hạn “cho mượn” quỹ đất công, thay vì ra quyết định thu hồi đất để trả về cho quỹ đất công thì UBND huyện lại kiến nghị với tỉnh xin cấp luôn số quỹ đất công này cho cán bộ huyện! Tuy nhiên, đề xuất này không được UBND tỉnh chấp thuận. Thế là UBND huyện Tân Hưng chuyển sang kế hoạch mới, xin tiếp tục cho CB-CNV của huyện thuê lại số đất này.

Khi được UBND tỉnh chấp thuận và Sở TN-MT tỉnh Long An “bật đèn xanh”, UBND huyện Tân Hưng tiến hành cho thuê ngay. Giá đất cho thuê được UBND huyện Tân Hưng quy định là 7 triệu đồng/ha/10 năm. Tính ra mỗi hécta đất có 700.000đ/năm.

Sau khi thuê được đất, phần đông CB-CNV của huyện Tân Hưng đã đem cho thuê lại với giá cao gấp 14-17 lần! Điển hình như ông Ngô Quang Phục (Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen) cho anh Nguyễn Văn Giàu, một nông dân nghèo ở đây thuê 7 ha, với giá 10 triệu đồng/ha/năm.

Như vậy, với giá từ 10 đến 12 triệu đồng/ha/năm, sau 10 năm cho thuê, 238 CB-CNV của huyện Tân Hưng cũng “bỏ túi” trên dưới 40 tỷ đồng - một con số không nhỏ cho ngân sách của một huyện nghèo vùng sâu, biên giới như Tân Hưng.

Một diễn biến khác. Năm 2007, khi không được tỉnh đồng ý chủ trương cấp đất cho CB-CNV, UBND huyện Tân Hưng một mặt xin cho CB-CNV được tiếp tục thuê đất với giá rẻ, mặt khác âm thầm cấp sổ đỏ cho CB-CNV nếu nghỉ hưu, chuyển công tác. Chỉ trong 2 năm 2007-2008, UBND huyện Tân Hưng đã cấp sổ đỏ với diện tích 20 ha cho 12 cán bộ của huyện và 1 của tỉnh. Lý do là những người này đã có “công” canh đất trên 10 năm…

Riêng trường hợp cấp sổ đỏ cho ông Lương Thanh Hải rất đặc biệt. Năm 1998, với tư cách là Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Hải mượn 10 ha đất ở xã Vĩnh Châu A và được ông Nguyễn Xuân Nghìn (Phó Chủ tịch UBND huyện thời điểm đó) ký duyệt. Năm 1999, ông Hải tiếp tục viết đơn xin thêm 3 ha đất và được ông Nguyễn Văn Huệ (Chủ tịch UBND huyện lúc bấy giờ) phê duyệt. Đến ngày 23-11-1999, ông Huệ ký quyết định cấp luôn sổ đỏ cho ông Hải 3 ha này nhưng với diện tích tăng thêm 1.000m² (tổng cộng 3,1 ha).

Nhiều người thắc mắc, trong một thời gian dài, huyện Tân Hưng chủ trương biến đất công thành “đất ông”, thậm chí cán bộ đem đất cho dân nghèo thuê lại với giá cao gấp nhiều lần mà không ai biết gì. Thậm chí, CB-CNV nghỉ hưu, chuyển công tác thì được huyện cấp “sổ đỏ” phần đất đã thuê mượn. Làm như vậy thì nguồn quỹ đất công này bao lâu sẽ hết và có đúng với mục đích ban đầu?

Đ.Nguyên – T.Vũ

Thông tin liên quan: Cán bộ xã biến đất công thành “đất ông”

- Tỉnh ủy Long An yêu cầu làm rõ

- Bài 1: Hè nhau “luộc” đất công

- Bài 2: Mạnh tay vơ vét túi riêng

Tin cùng chuyên mục