Ngày 20-8, Hy Lạp kết thúc chương trình giải cứu nền kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử của nước này và kết thúc giai đoạn khó khăn nhất của khu vực đồng euro (Eurozone). Tuy nhiên, đất nước này vẫn phải đối mặt với thách thức để duy trì nền kinh tế bền vững.
Không xóa nợ nhưng ưu đãi trả nợ
Gói cứu trợ đầu tiên được cung cấp cho Hy Lạp vào tháng 5-2010 với mục tiêu đưa nền kinh tế Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ nhưng gây ra tác động lớn cho cả Eurozone tới tận mùa hè năm 2015. Cuối cùng, sau 8 năm hỗ trợ tiền mặt vào việc cải cách nền kinh tế, bao gồm 326 tỷ EUR do Liên minh châu Âu (EU) và IMF cung cấp, Athens xem như thoát khỏi “con đường điều chỉnh khó khăn và dài nhất ở châu Âu”, như lời một quan chức EU nói với hãng tin Euractiv.
“Nếu không có sự hỗ trợ tài chính của EU, nền kinh tế Hy Lạp sẽ sụp đổ, có lẽ không hồi phục trong nhiều thập kỷ”, ông Pierre Moscovici, Ủy viên về các vấn đề kinh tế EU, nói. Không chỉ có vậy, tất cả các nền kinh tế trong EU sẽ bị kéo theo, lao vào vực thẳm của nền kinh tế Hy Lạp.
Nhưng thiết kế và kết quả của chương trình viện trợ cho Hy Lạp vẫn còn gây tranh cãi khi Hy Lạp phải đối mặt với một hành trình khó khăn để phục hồi hoàn toàn trong những năm tới. Vào ngày 22-6, nhóm các bộ trưởng tài chính các nước thuộc Eurozone (Eurogroup) đã đạt được thỏa thuận “lịch sử” về việc giảm nợ cho Hy Lạp, giải quyết trở ngại chính trị cuối cùng để kết thúc chương trình cứu trợ kéo dài hơn 8 năm. Các thành viên Eurozone cung cấp một khoản tiền mặt trị giá 24 tỷ EUR để trang trải tất cả các nhu cầu tài chính của Hy Lạp cho đến mùa hè năm 2020. Eurogroup hoãn phần lớn các khoản thanh toán của Hy Lạp cho đến năm 2033 và kéo dài thời gian đáo hạn các khoản nợ thêm một thập kỷ để tạo thêm điều kiện cho nền kinh tế Hy Lạp phục hồi. Nhưng các chủ nợ châu Âu, đặc biệt là Đức, phản đối yêu cầu của IMF xóa một phần đáng kể nợ khổng lồ của Hy Lạp.
Thách thức phía trước
Vẫn theo ông Moscovici, mặc dù thời kỳ thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp đã chấm dứt, vẫn còn nhiều việc phải làm để Hy Lạp có thể đứng vững trên đôi chân của mình. “Giảm nợ công và theo đuổi cải cách phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ”, ông nói thêm.
Kể từ ngày 21-8, nền kinh tế Hy Lạp sẽ trở thành thành viên Eurozone đầu tiên chịu sự giám sát “tăng cường”. Mục đích là để đảm bảo rằng Athens áp dụng đầy đủ các cải cách đã đồng ý và tuân thủ các mục tiêu tài chính. Hy Lạp sẽ phải đạt mức thặng dư chính (trước khi trả lãi) là 3,5% GDP cho đến năm 2022 và giảm xuống 2,2% cho đến năm 2060.
Điều này sẽ rất khó vì không một quốc gia nào có thể đạt được mức độ tăng trưởng bền vững trong một thời gian dài như vậy. Trong khi đó, Hy Lạp sẽ phải hoàn thành chương trình tư nhân hóa đầy tham vọng để bán 19 cảng, sân bay và các tài sản công cộng khác. Hy Lạp đã phát động một cuộc đấu thầu quốc tế để bán phần lớn cổ phần trong nhà máy lọc dầu lớn nhất của nước này, nhà máy Hellenic Petroleum, theo thỏa thuận gói cứu trợ quốc tế thứ ba. Nếu không, Hy Lạp có thể phải chi tới 4 tỷ EUR để trang trải các nhu cầu tài chính trong vài năm tới.
Trong khi đó, chấp nhận các điều kiện của chủ nợ trong hơn 8 năm qua, Hy Lạp mất gần 25% GDP kể từ năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 28% trong tháng 9- 2013 đến nay giảm còn 19,5%. May mắn là sau khi kết thúc gói vay thứ ba vào ngày 20-8, thặng dư chính là 4,2% GDP và nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trên 2% trong 2 năm tới. Nhưng cái giá để tránh phá sản, làm sạch nợ công, cải cách nền kinh tế vẫn còn là mục tiêu quá xa vời.