IMF: Kinh tế toàn cầu thiệt hại 7% GDP khi phân mảnh

Tình trạng phân mảnh nghiêm trọng của nền kinh tế toàn cầu sau nhiều thập niên thúc đẩy hội nhập có thể làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu tới 7%, thậm chí 8%-12% ở một số nền kinh tế. Đây là cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 16-1.
Biểu tượng IMF tại Washington, D.C. (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Biểu tượng IMF tại Washington, D.C. (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Nước nghèo chịu rủi ro

IMF cho biết ngay cả khi tình trạng phân mảnh diễn ra ở mức độ hạn chế cũng có thể làm giảm 0,2% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, IMF lưu ý rằng cần thêm thời gian để đánh giá thiệt hại ước tính đối với hệ thống tiền tệ quốc tế và mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu (GFSN). Theo báo cáo trên, kinh tế thế giới đã chứng kiến dòng chảy hàng hóa và dòng vốn toàn cầu chậm lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và các biện pháp hạn chế thương mại gia tăng trong những năm tiếp theo. Đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine là những phép thử tiếp theo đối với các mối quan hệ quốc tế, làm gia tăng sự hoài nghi về những lợi ích của toàn cầu hóa.

Các chuyên gia IMF cho rằng nỗ lực tăng cường hợp tác thương mại nhiều năm qua giúp giảm đáng kể tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu, đồng thời mang lại lợi ích cho người tiêu dùng có thu nhập thấp ở các nền kinh tế phát triển. Do đó, nếu các liên kết thương mại bị suy yếu, các quốc gia có thu nhập thấp và người tiêu dùng ít khá giả hơn ở các quốc gia phát triển sẽ chịu tác động nặng nề nhất. IMF nhấn mạnh, các nghiên cứu hiện nay cho thấy tình trạng phân mảnh kinh tế càng nghiêm trọng, mức thiệt hại càng lớn. Đáng chú ý, tình trạng tách rời trong lĩnh vực công nghệ có thể làm gia tăng đáng kể mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế thương mại.

Tổ chức này nhấn mạnh, tình trạng phân mảnh kinh tế toàn cầu - trong đó các nền kinh tế ít chia sẻ các rủi ro quốc tế hơn - có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra biến động kinh tế, mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng cũng như áp lực đối với các quốc gia. Tình trạng này cũng có thể làm suy yếu khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các quốc gia đang gặp khủng hoảng và làm phức tạp thêm việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ công trong tương lai.

Điểm sáng châu Á

Bên cạnh cảnh báo u ám này vẫn còn điểm sáng khi IMF nhận định châu Á là đầu tàu trong số hóa. Đây được coi là con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất sau đại dịch. Lãnh địa số của châu Á đã nhanh chóng mở rộng trong những năm gần đây, bao trùm hàng loạt công nghệ mới đa dạng, từ tự động hóa trong sản xuất chế tạo đến các nền tảng thương mại điện tử, thanh toán số. Từ con số 40% cách đây 20 năm, châu lục này đã vươn lên nắm giữ 60% bằng sáng chế về công nghệ số và máy tính trong giai đoạn trước đại dịch.

Các tập đoàn như Rakuten (Nhật Bản), Alibaba (Trung Quốc) và GoTo (Indonesia) là những đại gia thương mại điện tử. Doanh thu của các công ty này sánh ngang với Amazon và Walmart của Mỹ. Sự tiên phong của Ấn Độ trong giải pháp hạ tầng số cũng biến quốc gia này thành hình mẫu về cách thức kết hợp công nghệ thanh toán số và định danh để mở rộng tiếp cận tài chính. Tuy nhiên do phát triển số hóa khu vực thiếu đồng đều, nên IMF chỉ ra những ưu tiên cải cách bao gồm tăng cường hạ tầng số quốc gia; nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ số, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ; khắc phục các hạn chế về nguồn vốn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt khi áp dụng công nghệ mới…

Tin cùng chuyên mục