Indonesia, Malaysia bắt đầu liên kết thanh toán bằng mã QR

Điều này cho phép người dân Indonesia và Malaysia thực hiện thanh toán bán lẻ theo thời gian thực bằng cách quét mã QR tiêu chuẩn Indonesia (QRIS) hoặc mã QR DuitNow trực tiếp tại các cửa hàng hoặc các gian hàng trực tuyến sử dụng dịch vụ của các tổ chức tài chính tham gia.
Thanh toán bằng cách quét mã QR tiêu chuẩn Indonesia (QRIS). Ảnh: lowyat.net
Thanh toán bằng cách quét mã QR tiêu chuẩn Indonesia (QRIS). Ảnh: lowyat.net

Ngày 8-5, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) và Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) chính thức công bố liên kết thanh toán xuyên biên giới bằng mã phản hồi nhanh (QR) sau khi hoàn tất giai đoạn thử nghiệm từ ngày 27-1-2022.

Điều này cho phép người dân Indonesia và Malaysia thực hiện thanh toán bán lẻ theo thời gian thực bằng cách quét mã QR tiêu chuẩn Indonesia (QRIS) hoặc mã QR DuitNow trực tiếp tại các cửa hàng hoặc các gian hàng trực tuyến sử dụng dịch vụ của các tổ chức tài chính tham gia.

Hãng tin Bernama của Malaysia dẫn thông cáo chung của BI và BNN nhấn mạnh, liên kết thanh toán bằng mã QR sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế bền chặt giữa Indonesia và Malaysia, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 bao trùm hơn và mạnh mẽ hơn.

Theo lowyat.net, các tổ chức tài chính tham gia ở Malaysia bao gồm CIMB, Ngân hàng Hong Leong, Maybank, Ngân hàng Công cộng và TNG Digital, đóng vai trò là tổ chức phát hành cho người bán.

Về phía Indonesia, các ngân hàng tham gia dành cho người bán là Bank Sinarmas, DANA, Bank Permata, Bank CIMB Niaga, Bank Pembangunan Daerah (BPD) Bali, Bank Syariah Indonesia, LinkAja, Bank Central Asia, Ottocash và Bank Mega.

Trong bối cảnh du lịch quốc tế đang phát triển, liên kết thanh toán sẽ không chỉ mang đến cho du khách sự tiện lợi mà còn mang lại lợi ích cho ngành du lịch và bán lẻ của cả hai nền kinh tế. Hiện tại, Malaysia đã có liên kết thanh toán QR xuyên biên giới với Singapore, Indonesia và Thái Lan.

Trong thông cáo, Thống đốc BI, ông Perry Warjiyo nhấn mạnh, liên kết thanh toán cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người dùng trong các giao dịch thanh toán xuyên biên giới và là chìa khóa để nâng cao hiệu quả, thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số và tài chính bao trùm trong khu vực, cũng như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách thúc đẩy sử dụng rộng rãi các đồng nội tệ trong các giao dịch song phương theo Khung giao dịch nội tệ.

Về phần mình, Thống đốc BNM, bà Nor Shamsiah Mohd Yunus khẳng định ASEAN hiện đang kết nối hơn bao giờ hết. Sẽ có thêm nhiều người dùng từ Malaysia và Indonesia được hưởng lợi từ trải nghiệm an toàn, liền mạch hơn và hiệu quả hơn để thực hiện và nhận các khoản thanh toán xuyên biên giới, từ đó mang lại tiềm năng đáng kể để thúc đẩy các hoạt động kinh tế, trong đó có chi tiêu du lịch ở hai nước.

Tin cùng chuyên mục