Lập mạng lưới ngầm
Sunday Times dẫn thông tin từ tài liệu mật của IS cho biết, các phần tử trung thành của IS đang lập mạng lưới ngầm, còn gọi là “tổ chức cá sấu” tại Syria và các nước phương Tây để tiêu diệt những đối tượng mà chúng cho là kẻ thù. Ngày càng nhiều phần tử đánh bom liều chết được IS tuyển mộ và tăng cường tích trữ các loại vũ khí. Cùng với việc thực hiện các âm mưu nêu trên, IS cũng dự định thành lập một “cơ quan điều phối hoạt động ở châu Âu” và một số nơi khác. IS còn tuyên bố có nhiều đồng minh muốn hoạt động tại những khu vực cách xa sào huyệt và tiến hành tấn công tại châu Âu. Kế hoạch được cho là do thành viên cấp cao trong IS Abu Taher al-Tajiki viết. Ngoài kế hoạch tấn công, tài liệu còn chứa thông tin của hàng trăm tay súng IS gồm tên tuổi, thu nhập và các thư từ. Tài liệu còn liệt kê các vấn đề mà nhóm khủng bố phải đối mặt khi chúng lên kế hoạch hồi sinh tổ chức, bao gồm cả việc không có người thực hiện các vụ đánh bom liều chết hay thiếu phương tiện để tạo bom.
Theo ông Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, sau khi thoát khỏi vòng vây của liên quân, nhóm lãnh đạo IS sẽ lui về hoạt động ngầm lợi dụng những bất ổn ở Iraq và Syria để hồi sinh IS và phát động một cuộc chiến tranh du kích mới. Có nhận định cho rằng, tuy lãnh thổ của IS đã bị xóa sổ, nhưng mâu thuẫn về chính trị, kinh tế giữa người Sunni và Shiite từng khiến nhóm khủng bố này trỗi dậy vẫn chưa được xử lý. Đây sẽ là cơ hội để IS trỗi dậy khi có thể tận dụng mâu thuẫn về sắc tộc.
Lo ngại tay súng IS hồi hương
Theo Euronews, trong hơn 3 năm qua, số vụ tấn công khủng bố đã giảm, nhưng đó là nhờ hàng loạt biện pháp ngăn chặn kịp thời. Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết, theo số liệu thống kê của 9 quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), trong năm 2017 đã phá thành công 205 vụ tấn công khủng bố, tăng 45% so với năm 2016. Lo ngại hiện nay của châu Âu nằm ở các tay súng IS đang muốn hồi hương sau khi bị giam giữ tại Trung Đông. Đây là vấn đề nhạy cảm đối với các nước phương Tây, như Pháp hay Anh - hai nước vốn đã phải chịu nhiều vụ tấn công do những phần tử cực đoan trong nước tiến hành và do đó không hào hứng với việc tiếp nhận thêm những đối tượng từng trong hàng ngũ khủng bố. Theo thống kê, chỉ riêng nước Anh đã có 400 công dân tham gia thánh chiến tại Trung Đông. Bất chấp lời kêu gọi cho hồi hương các tay súng IS từ phía Mỹ, Anh thậm chí đã tước quốc tịch của các công dân từng gia nhập IS. Áo cũng tuyên bố rút lại việc bảo hộ công dân đối với công dân nước này tham chiến cho IS, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về việc bắt giữ và đưa các đối tượng này ra xét xử. Bộ Ngoại giao Đức thì cho rằng rất khó khăn khi tổ chức hồi hương những công dân châu Âu từng tham chiến cho IS.
Lực lượng an ninh Bỉ tuần tra tại sân bay Brussels
Trong khi đó, người đứng đầu bộ phận đối phó chủ nghĩa cực đoan của Bộ Nội vụ Nga, ông Oleg Ilyinykh, cho biết IS đang có dấu hiệu chuyển trọng tâm hoạt động sang các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) bao gồm Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Armenia. Nhóm thủ lĩnh IS lên kế hoạch thiết lập mạng lưới khủng bố toàn cầu và nhiều hang ổ ngầm giúp thực hiện các vụ tấn công mới ở một số khu vực trên thế giới.