Tờ Washington Post nhận định, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dường như đang gặp nhiều khó khăn với vấn đề tài chính khi các cuộc không kích của Nga, Mỹ và đồng minh đã lấy đi nhiều phần lãnh thổ IS chiếm đóng, nơi mà IS đánh thuế người dân để đem lại một trong những nguồn thu chính của IS.
Giảm chi cho chiến binh
Bộ Tài chính Mỹ mới đây ước tính IS có thể đang kiếm được 40 triệu USD/tháng từ buôn bán dầu lậu với giá rẻ. Một nguồn khác chiếm khoảng 1/2 thu nhập của IS là từ đánh thuế của khoảng 6 - 9 triệu người dân sống trong vùng lãnh thổ do tổ chức này chiếm giữ ở Iraq và Syria. Ngoài việc đánh thuế, IS áp đặt các khoản lệ phí lên mọi hoạt động của người dân trong vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát, từ chăn nuôi, trồng trọt cho đến các mặt hàng điện thoại di động. Hồi đầu năm nay, một thủ lĩnh IS tuyên bố rằng tổ chức này có ngân sách lên tới 2 tỷ USD năm 2015.
Facebook, Google, Twitter sẽ loại bỏ các tài khoản, nội dung cổ súy cho IS
Tuy nhiên, các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở Iraq và quân đội Syria dưới sự yểm trợ của Nga đã tái chiếm một vùng lãnh thổ lớn từ tay IS, khiến tổ chức khủng bố này bị mất một trong những nguồn thu quan trọng là tiền thuế. Trong khi đó, các giếng dầu, tài sản tịch thu, tiền chuộc con tin đã ngày càng trở nên khan hiếm khi IS không thể chiếm thêm được lãnh thổ mới. IS đã bị mất 1/3 lãnh thổ ở Iraq, trong đó có các TP lọc dầu quan trọng như Tikrit và Baiji. Tương tự, ở Syria, IS đã mất quyền kiểm soát nhiều khu vực quan trọng, trong đó có cả vùng đất trọng yếu gần sào huyệt Raqqa của IS.
Columb Strack, chuyên gia về Trung Đông của tổ chức Jane’s Information cho hay, vì khó khăn trong tài chính, tiền công trả cho các tay súng tham gia IS mới đây đã bị giảm từ khoảng 400 USD xuống còn 300 USD/tháng.
Các gã khổng lồ Internet vào cuộc
Các quốc gia phương Tây cam kết tiếp tục đẩy mạnh những chiến dịch không kích IS. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron đã nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong cuộc chiến chống IS, cả trong chiến dịch ở Syria cũng như trao đổi thông tin. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon thì nhấn mạnh cần phải tấn công IS mạnh hơn nữa để “đường phố Anh trở nên an toàn hơn”.
Trong khi đó, Facebook, Google và Twitter đã nhập cuộc tham gia chống tuyên truyền và tuyển dụng khủng bố trên mạng của IS. Facebook cho biết họ vừa đóng một tài khoản cá nhân được cho là thuộc về Tashfeen Malik, kẻ cùng chồng bị buộc tội giết người trong vụ xả súng làm 14 người chết tại San Bernardino, Mỹ. Theo đại diện của Facebook, công ty này sẽ cấm các nội dung, tài khoản cá nhân cổ súy khủng bố. Còn trang YouTube của Google thì mở rộng chương trình “Trusted Flagger”, cho phép các tổ chức từ một đơn vị chống khủng bố của cảnh sát Anh cho đến các nhóm hoạt động nhân quyền đánh dấu số lượng lớn video clip “có vấn đề về nội dung” và sẽ lập tức gỡ bỏ.
Các chiến dịch tuyên truyền, tuyển dụng khủng bố trên mạng của IS rầm rộ trong thời gian qua. Nhiều chuyên gia cho hay việc lên kế hoạch tấn công khủng bố đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết với sự trợ giúp của các công cụ trực tuyến. Việc các ông lớn cung cấp dịch vụ Internet như Facebook, Google hay Twitter tham gia “thanh lọc” nội dung sẽ góp phần không nhỏ trong cuộc chiến trên mạng với khủng bố.
|
ĐỖ CAO (tổng hợp)