
Kỷ nguyên vàng của văn học đã đến hồi cáo chung? Giới chuyên gia từng đặt ra câu hỏi này sau khi chứng kiến doanh thu từ các tác phẩm văn chương trên toàn cầu giảm 23% trong nửa đầu năm 2011 sau khi sụt giảm mức 5,1% ở năm 2010. Nhưng điều này xem ra không mấy ảnh hưởng đến những nhà văn hàng đầu thế giới như Stephen King, Stephenie Meyer, Janet Evannovick.
Theo xếp hạng của tạp chí Forbes (Mỹ), James Patterson, “bậc thầy tiểu thuyết trinh thám” tiếp tục trở thành nhà văn thành công nhất trong 2011, với mức doanh thu lên đến 84 triệu USD. Con số này còn cao hơn mức 70 triệu USD mà Patterson kiếm được năm 2010.

James Patterson
Gia tài tác phẩm đồ sộ và thành công bậc nhất trong lịch sử văn chương nhân loại đã biến James Patterson thành cái tên huyền thoại trong số các nhà văn của dòng truyện trinh thám. Kể từ lần tung ra thị trường cuốn tiểu thuyết đầu tay vào năm 1976 với số lượng phát hành chỉ vỏn vẹn 10.000 bản, đến nay, sách của Patterson đã được tiêu thụ tới trên 200 triệu bản với 38 thứ tiếng. Đây là một con số mơ ước của nhiều nhà văn trên thế giới.
Tiểu thuyết gia người Mỹ này đã có tới 71 tác phẩm văn chương. Bên cạnh đó, tên tuổi và tài năng của Patterson đã được khẳng định qua những con số đáng khâm phục như việc ông từng có 63 tác phẩm lọt vào danh sách bán chạy nhất của New York Times hay đoạt vô số giải thưởng lớn nhỏ, trong đó đáng chú ý nhất là giải Edgar và Mystery Guild danh giá. Giàu có nhưng nhà văn thành công này có cuộc sống khá giản dị. Ông thậm chí không có máy tính trong nhà và viết toàn bộ tiểu thuyết bằng tay.
Đứng vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng là “ông vua tiểu thuyết kinh dị” Stephen King, với 39 triệu USD. Danh sách 10 nhà văn giàu nhất thế giới năm 2011 còn gồm: Janet Evanovich (33 triệu USD), John Grisham (26 triệu USD), Jeff Kinney (25 triệu USD), Bill O’Reilly (24 triệu USD), Nora Roberts (23 triệu USD), Danielle Steel (23 triệu USD), Suzanne Collins (20 triệu USD), Dean Koontz (19 triệu USD).
Thanh Hằng