JCPOA chưa được khai thông

Cuộc họp khẩn tại Vienna (Áo) ngày 28-7 nhằm cứu vãn Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký với Iran năm 2015, giữa đại diện các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, còn tuân thủ, đã kết thúc với cam kết bảo vệ thỏa thuận lịch sử trên của các bên. Tuy nhiên,  Iran đã có những bước cứng rắn hơn.
Tổng Thư ký Ủy ban Đối ngoại EU Helga Schmidt (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi (phải) tại cuộc họp ở Vienna
Tổng Thư ký Ủy ban Đối ngoại EU Helga Schmidt (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi (phải) tại cuộc họp ở Vienna

Sẽ còn các cuộc gặp tiếp theo

Phát biểu sau cuộc họp với các nước tham gia Hội nghị Vienna, Trưởng phái đoàn Trung Quốc ngày 28-7 cho biết, tất cả các bên đã thể hiện cam kết của mình nhằm bảo vệ JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran và tiếp tục thực hiện JCPOA một cách cân bằng. Tất cả các bên cũng đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của họ đối với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã đơn phương áp đặt lên Iran. Các nước này cũng kêu gọi đối phó với tình hình gia tăng căng thẳng giữa Tehran và phương Tây trong tháng qua, bao gồm các vụ đụng độ trên biển và việc Iran vi phạm hiệp ước này.      
Cuộc họp này diễn trong bối cảnh đặc biệt, không chỉ căng thẳng Mỹ - Iran tiếp tục leo thang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mà cả Anh, một bên tham gia JCPOA, cũng đã lao vào cuộc tranh cãi với Tehran sau khi hai bên bắt giữ tàu chở dầu của nhau. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, đồng thời là nhà đàm phán hạt nhân cấp cao của Iran, khẳng định Tehran sẽ tiếp tục giảm bớt các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân cho tới khi các lợi ích của nước mình được bảo đảm. Căng thẳng giữa Anh và Iran càng khiến cơ hội đạt được thỏa thuận giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia JCPOA với Tehran trở nên khó khăn thêm.  Iran cho rằng các đối tác châu Âu đã không thật sự làm tốt trách nhiệm của mình khi không đảm bảo được lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo, đồng thời cho biết sẽ có một cuộc gặp giữa Iran và các bên còn lại tham gia JCPOA ở cấp bộ trưởng trong thời gian tới.

Iran cứng rắn 

Trước khi diễn ra cuộc họp trên, cùng ngày 28-7, ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran, cho biết nước này đã làm giàu 24 tấn urani kể từ khi tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới và Tehran hiện đã tái khởi động lò phản ứng nước nặng tại cơ sở Arak.

Cho tới nay, Iran đã từng bước hiện thực hóa lời cảnh báo điều chỉnh phạm vi tuân thủ cam kết trong JCPOA, sau khi các quốc gia còn lại, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức, không chỉ ra một con đường khả quan để cứu vãn thỏa thuận, giúp Iran tránh những đòn trừng phạt của Mỹ.  Phát biểu trước thềm cuộc họp của Ủy ban chung JCPOA ngày 28-7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryakov cho biết, Nga tiếp tục kêu gọi Iran hành động có trách nhiệm và kiềm chế thực hiện các bước đi có thể gây leo thang căng thẳng xung quanh JCPOA, trong đó có việc gia tăng sản lượng nước nặng. 

 Tuyên bố mới của Iran về con số 24 tấn urani đã làm giàu có thể là một động thái cảnh báo từ phía Tehran rằng, nếu các nước châu Âu tiếp tục chậm trễ và để Iran một mình chống đỡ các biện pháp trừng phạt từ Washington, thì JCPOA cuối cùng sẽ chỉ còn là dĩ vãng.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tỏ ra rất thất vọng cho biết Iran đã không chấp nhận lời đề nghị về việc ông được đến thăm Tehran và có cuộc thảo luận trực tiếp với giới chức nước này. Phát biểu trong một cuộc họp báo được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình Press TV, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 29-7 tuyên bố, đàm phán giữa Iran và Mỹ sẽ khả thi nếu dựa trên một chương trình nghị sự có thể dẫn tới những kết quả cụ thể, song Washington đang không tìm kiếm đối thoại.

Tin cùng chuyên mục