Ngày 9-9 là thời điểm Quốc hội Mỹ nhóm họp lần đầu tiên sau kỳ nghỉ hè. Syria sẽ là một trong những nội dung chính trong phiên họp của Thượng viện tuần này và các cuộc bỏ phiếu có thể sẽ diễn ra vào ngày 11-9. Còn Hạ viện Mỹ có thể nhóm họp vào cuối tuần hoặc sang tuần sau. Nhiều ý kiến cho rằng kế hoạch tấn công Syria của Mỹ sẽ vấp phải sự phản đối tại Quốc hội khi các chứng cứ Nhà Trắng đưa ra thiếu thuyết phục.
Ông Assad không liên quan?
Tờ Sonntag của Đức dẫn nguồn tin tình báo của nước này cho hay một tàu giám sát điện tử do cơ quan tình báo Đức điều hành ở ngoài khơi bờ biển Syria đã chặn được các cuộc điện thoại cho thấy các chỉ huy quân đội Syria đã yêu cầu tổng thống phê chuẩn việc sử dụng vũ khí hóa học trong vài tháng qua song luôn bị từ chối. Theo báo này, điều đó có nghĩa ông Assad có thể không phê chuẩn cuộc tấn công hôm 21-8.
Tại Mỹ, theo Reuters, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers là một trong những chính khách Cộng hòa đầu tiên nhiệt tình ủng hộ đề xuất tấn công Syria. Tuy nhiên, ngày 8-9, ông Rogers cho rằng các nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ kế hoạch can thiệp Syria không chỉ đang dần kém hiệu quả mà còn góp phần khiến chính giới đối lập có thêm lý do để kiên quyết phản đối. Ông Rogers nói Nhà Trắng đã tạo ra một mớ bòng bong trong vấn đề Syria, và giờ đây chính ông cũng thấy nghi ngại.
Trả lời phỏng vấn trên chương trình truyền hình Fox News Sunday, Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough thừa nhận chính phủ của Tổng thống Barack Obama cho tới nay vẫn chưa có những bằng chứng “không thể chối cãi” về việc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ngày 21-8 làm 1.429 người chết. Ông McDonough cũng nghĩ còn quá sớm để dự báo kế hoạch tấn công Syria sẽ nhận đủ 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết tại Quốc hội Mỹ. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Jim McGovern thuộc bang Massachusetts cho rằng Tổng thống Barack Obama nên rút lại đề xuất trước khi quá muộn (bị Quốc hội bác bỏ). Phát biểu trong chương trình State of the Union của kênh CNN, ông McGovern cho biết đa số các nhà lập pháp đều không ủng hộ đề xuất tấn công Syria. Tờ Washington Post ước tính chỉ 25% trên tổng số 100 Thượng nghị sĩ và chưa tới 25 Hạ nghị sĩ (trên tổng số 435 người) sẽ ủng hộ đề xuất của Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, đã có 17 Thượng nghị sĩ và 111 Hạ nghị sĩ được ghi nhận là phản đối chiến dịch can thiệp kể trên.
Hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Barack Obama sẽ cân nhắc ý kiến này song một số chuyên gia dự đoán có khả năng chính phủ sẽ hoãn cuộc bỏ phiếu, nhất là khi trong bài phát biểu tại Paris sau cuộc gặp với các Ngoại trưởng Ảrập ngày 8-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không loại trừ phương án quay trở lại Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc để tìm kiếm một nghị quyết về Syria.
Hệ lụy khó lường
Tổng thống Obama dự kiến sẽ có bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 10-9. Mặc dù được đánh giá là một người có khả năng diễn thuyết song các đồng minh chính trị của ông Obama đều cảm thấy lo ngại với một thực tế: các bảng thăm dò ý kiến gần đây đều cho thấy đa số người dân Mỹ phản đối kế hoạch tấn công mà ông Obama đề xuất. Theo Reuters, hầu hết những người phản đối không tranh cãi về việc ai đã sử dụng vũ khí hóa học mà họ bày tỏ quan ngại về các ảnh hưởng và hệ lụy khó lường của chiến dịch trừng phạt mà chính phủ đề xuất.
Một trong những hệ lụy đó đã được Nga đưa ra ngày 9-9. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố các cuộc tấn công vào Syria có nguy cơ làm bùng phát khủng bố trong khu vực và làm dấy lên một làn sóng người tỵ nạn mới. Phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Syria Walid al-Muallem, ông Lavrov khẳng định vẫn còn cơ hội cho một giải pháp chính trị và Damascus sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình.
ĐỖ CAO (tổng hợp)
- Mỹ tìm thêm đồng minh ủng hộ tấn công Syria