Xã hội hóa truyền hình được gọi chung là liên kết, liên doanh sản xuất chương trình truyền hình. Sau 10 năm hoạt động, so với sự hồ hởi và nở rộ lúc ban đầu, giờ đây những nhà đầu tư, các đơn vị hợp tác với nhà đài có phần dè dặt hơn vì họ hiểu rằng mình đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
“Đốt tiền” hàng ngày
Từ khi được nhà nước cho phép xã hội hóa truyền hình, tư nhân được quyền liên kết, liên doanh với nhà đài để sản xuất một phần (giờ phát sóng) hoặc toàn bộ sản phẩm truyền hình (kênh phát sóng). Nhà đài chịu trách nhiệm về nội dung, biên tập và truyền dẫn phát sóng; đơn vị liên kết lo đầu tư kinh phí, sản xuất chương trình. Truyền hình vốn là một sản phẩm đặc thù, kinh phí đầu tư cho sản phẩm này luôn được giới trong nghề gọi là “kinh doanh mặt hàng đốt tiền hàng ngày” nhưng lợi nhuận thu về cũng vô cùng lớn - nếu kinh doanh hiệu quả. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp, công ty truyền thông rơi rụng, “chết tức tưởi” trong lĩnh vực này nhưng vẫn có những đơn vị trụ được 7, 8 năm nay, dù rằng đó là hành trình của “phập phồng, lo lắng và cũng không biết ngày mai sẽ như thế nào” - ý kiến của lãnh đạo một công ty truyền thông.
Chương trình Thử thách cùng bước nhảy (trên sóng HTV)
Nếu liên kết để sản xuất phim hoặc chương trình phát sóng, đơn vị liên kết phải tự bỏ tiền sản xuất, mua bản quyền chương trình (hoặc phim) sau đó được nhà đài trả lại bằng các đoạn clip quảng cáo. Khi đơn vị liên kết nhận cả một kênh, ngoài kinh phí sản xuất, mua bản quyền còn phải trả cho nhà đài chi phí truyền dẫn phát sóng (con số này thường ở mức hàng chục tỷ đồng/năm). Vì thế, nói đầu tư làm truyền hình là cuộc chơi “đốt tiền” cũng không ngoa. Với bài toán sống còn trong việc thu hồi vốn, muốn vậy phải làm sao thu hút được càng nhiều quảng cáo càng tốt. Bởi vậy, những đơn vị liên kết thường chọn đầu tư sản xuất các chương trình giải trí để thu hút khán giả, như chương trình Thử thách cùng bước nhảy, Người bí ẩn trên sóng HTV và Gương mặt thân quen… trên sóng VTV.
Khi có một, hai chương trình ăn khách, các đơn vị khác cũng ồ ạt mua bản quyền, đầu tư sản xuất các chương trình giải trí tương tự. Chính vì thế, vài năm lại đây, khán giả đã bắt đầu bội thực với hàng loạt chương trình giải trí na ná nhau, trên hầu hết các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương: các cuộc thi hát, thi nhảy, chương trình hài... Và trong cuộc cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt ấy, để tạo sự chú ý với người xem - đồng nghĩa với việc sẽ thu hút được nhiều quảng cáo, có đơn vị sẵn sàng làm ẩu, làm bừa, cố tình tạo scandal gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhà đài; hoặc thấy phim Hàn, phim Ấn phát trên kênh này được khán giả thích, thế là đơn vị khác cũng nhảy vô mua phim các nước ấy mang về phát trên kênh của mình. Kiểu kinh doanh ấy vừa đẩy giá bản quyền lên cao, vừa khiến cho chương trình truyền hình trở nên mất cân đối, đơn điệu và hạn chế thẩm mỹ người xem truyền hình.
Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM (HTV), chia sẻ: “Các đơn vị thường tập trung quảng cáo nhiều vào những chương trình giải trí, trong khi các chương trình chính luận, phim tài liệu và ngay cả phim truyện cũng rất ít, khó kêu gọi được quảng cáo. Trong khi đó, nhiệm vụ của truyền hình, cũng như các loại hình báo chí khác, là tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân… nhưng do ảnh hưởng về kinh tế đã làm giảm thế mạnh ấy của truyền hình”.
Gồng mình để tồn tại
Ông Lâm Chí Thiện, Chủ tịch Điều hành kênh TodayTV (Công ty cổ phần Quốc tế Truyền thông IMC) cho biết: “Về tổng thể, xã hội hóa truyền hình được cơ quan chức năng tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, việc xã hội hóa truyền hình đang trong giai đoạn phát triển và còn quá mới mẻ. Nguồn nhân lực của lĩnh vực này còn giới hạn, đặc biệt là các công việc liên quan, phụ trợ như: biên tập nội dung, biên tập kịch bản, kỹ thuật làm phim… chưa phát triển như các nước khác, nên việc sản xuất những bộ phim hay, cũng như tìm những kịch bản tốt, tình tiết nhanh với nội dung sâu sắc vẫn còn nhiều hạn chế”. Chặng đường 7 năm của kênh TodayTV gặp không ít gian nan. Không ít lần tưởng chừng kênh phải đóng cửa vì thiếu kinh phí, thiếu nhân lực.
Chương trình Thử thách cùng bước nhảy được khán giả yêu thích
Với kênh HTV3 thì nhiều lần tưởng chừng ngưng phát sóng và thay đổi người điều hành. Dù đã được mang tên là kênh thanh thiếu niên và gia đình thì hiện nay, với khoản nợ gần 80 tỷ đồng, kênh HTV3 đã được chuyển giao cho một đơn vị đầu tư mới là Công ty Truyền thông Thanh thiếu niên với hy vọng có thể trụ được để trả nợ HTV. Sau khi chuyển tiêu chí kênh từ kênh thể thao thành kênh giải trí tổng hợp, kênh HTV2 (Tập đoàn Đất Việt VAC) ngày càng phát triển và đơn vị đầu tư đã có thể yên tâm, dù rằng họ vẫn phải thừa nhận là “khó khăn vất vả lắm!”.
Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc kênh Let’s Viet (Công ty cổ phần Truyền thông La Sa Ta), cho biết: “Làm truyền hình, nếu không đầu tư nghiêm túc là chết ngay! Nhiều người cứ nghĩ làm kênh truyền hình chỉ việc mua nội dung về phát sóng là xong, nhưng đâu phải vậy. Nếu không xây dựng bản sắc riêng cho kênh, khán giả xem kênh nào cũng thấy giống nhau thì khán giả sẽ ngay lập tức chuyển kênh khác. Và khi kênh không có nhiều người xem, không thu hút được quảng cáo nghĩa là kinh doanh không đạt, không đủ tiền để tái đầu tư, để “nuôi” kênh mà chỉ “đốt” tiền. Số tiền đầu tư ngày càng lớn, lợi nhuận không có, đương nhiên phải ngưng phát sóng”.
Thời gian qua, vì nhiều lý do mà hàng loạt kênh đã phải đóng cửa, như: VBC (Tập đoàn Tân Tạo), Fansipan TV (Le Group), Astro Cảm Xúc (BHD, Astro), M4Me (Quantum Media), MOD (Quantum Media), Real TV (Công ty cổ phần Truyền thông Truyền hình thực tế), Saigon Channel (Công ty Truyền thông Sắc Màu - SGC), HTV1 (Công ty Vân Thanh Long - VTL), HSV (Công ty Home Shopping Vietnam)... Với những kênh truyền hình xã hội hóa khác, nếu các đơn vị liên kết với nhà đài không đủ tiềm lực kinh tế, không định hướng nội dung kênh rõ ràng và chỉ chạy theo trào lưu kiểu ăn xổi ở thì, chắc chắn kết cục “các chủ nợ dí theo đến phải đóng cửa kênh” chỉ là vấn đề thời gian!
NHƯ HOA