Kênh vẫn đầy rác

Khi nội thành TPHCM thường xuyên bị ngập nặng lúc mưa lớn, nhiều ý kiến lưu ý thực trạng nhiều kênh thoát nước bị tắc nghẽn do đầy rác thải sinh hoạt. Sau đó, việc nạo vét, vớt rác để thông dòng chảy được quan tâm hơn. Thế nhưng, nay, những con kênh đó lại đầy rác.
Kênh vẫn đầy rác

Khi nội thành TPHCM thường xuyên bị ngập nặng lúc mưa lớn, nhiều ý kiến lưu ý thực trạng nhiều kênh thoát nước bị tắc nghẽn do đầy rác thải sinh hoạt. Sau đó, việc nạo vét, vớt rác để thông dòng chảy được quan tâm hơn. Thế nhưng, nay, những con kênh đó lại đầy rác.

Qua đêm lại ngập thêm rác

Khi sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nặng, cho thấy thực trạng các kênh thoát nước Nhật Bản, Hy Vọng và A41 đã bị tắc nghẽn dòng chảy. Sau đó, các kênh này đã được khẩn trương nạo vét. Vậy mà nay ở các kênh Hy Vọng và A41 lại xuất hiện nhiều rác thải sinh hoạt. Kênh A41 đoạn chảy ngang đường Giải Phóng (phường 4, quận Tân Bình) đầy rác. Cư dân ngụ xung quanh kênh đều khẳng định không vứt rác xuống kênh, vậy mà cứ qua một đêm lại thấy kênh ngập thêm rác. Trước kia, con kênh này rộng từ 5m - 8m nhưng sau này bị nhiều hộ dân lấn chiếm, chỉ còn rất hẹp.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được cải tạo cảnh quan, môi trường nước và đưa vào khai thác du lịch đường sông, thế nhưng nay dòng kênh vẫn bị ô nhiễm. Hướng dẫn viên du lịch Trần Văn Hùng phản ánh: “Trên con kênh này, ngày nào cũng có rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh trên mặt nước, thật ngại ngùng khi đưa du khách nước ngoài du thuyền tham quan. Có lần một du khách người nước ngoài đã tỏ ra rất ngán ngẩm khi đang ngồi trên thuyền thì thấy một người đứng từ trên bờ thản nhiên tiểu xuống kênh”.

Kênh Chiến Lược (quận Bình Tân) mới được thông dòng bằng việc đầu tư xây dựng những cây cầu sắt để khắc phục tình trạng rác thải sinh hoạt tắc nghẽn ở các cầu cống. Sau đó, chính quyền địa phương dồn sức tuyên truyền nhắc nhở người dân ý thức bảo vệ môi trường. Vậy mà nay rác thải sinh hoạt vẫn đầy kênh. Kênh Hiệp Tân (quận Tân Phú) ngay cuối dòng chảy xuất hiện nhiều rác thải, thậm chí có cả bàn ghế, nệm. Rạch Xuyên Tâm, rạch Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh) và kênh 19-5 (quận Bình Tân) cũng có rất nhiều rác.

Kênh Hiệp Tân (quận Tân Phú) tràn lan rác thải sinh hoạt

Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường

Mỗi ngày trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có hơn 40 nhân viên làm việc để xử lý rác, trung bình một ngày thu gom đến 5 tấn rác, trong đó rác thải sinh hoạt chiếm 70%. Bên bờ các con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé có rất nhiều người đến ngồi chơi, câu cá. Họ không vứt rác xuống kênh, nhưng cũng không cho rác vào thùng rác, mà cứ bỏ lại trên bờ kênh, mặc gió thổi bay xuống sông. Ngoài ra, còn thêm rác thải từ các miệng cống trôi xuống kênh. Ông Phan Ngọc Hải, Đội trưởng Đội vớt rác trên kênh, cho hay: “Khoảng 85% lượng rác thải trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là từ rạch Bùi Hữu Nghĩa và thượng nguồn sông Sài Gòn chảy vào. Ngoài ra, thời điểm rạng sáng vẫn có những người thiếu ý thức mang rác ra vứt xuống kênh, thậm chí có những người chở rác thải, xà bần bằng xe ba gác đến đổ trộm xuống kênh. Cho nên rác dưới nước còn nhiều “chủng loại” hơn trên bờ, khiến xuồng vớt rác thường xuyên bị hư chân vịt do vướng phải rác là xà bần”.

Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM cho biết công ty đang phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, nhắc nhở người dân không xả rác xuống cống và kênh rạch. Việc dán khẩu hiệu nhắc nhở ngay trên nắp hầm ga cũng giúp nâng ý thức không xả rác, từ từ sẽ tạo thành thói quen cho người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, cho hay: “Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ngập nước hay thoát nước chậm ở nhiều tuyến đường là do các kênh đã bị rác thải chặn dòng, làm nước chảy chậm, có khi tắc nghẽn. Để hạn chế việc xả rác xuống kênh, hiện nay, một số tuyến kênh đã được giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, vớt rác, nhằm đảm bảo thoát nước và không ô nhiễm môi trường. Trung tâm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân không xả rác xuống kênh và cống thoát nước, giữ môi trường không ô nhiễm sẽ đảm bảo sức khỏe cho chính mình. Phải tuyên truyền liên tục để thấm vào dân”.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục