Kết hôn thời lockdown

Sau ba năm bắt đầu cuộc sống mới tại Hà Lan, Nguyễn Phương Trang vừa có một lễ kết hôn đặc biệt: người dự lễ phải đứng cách nhau 1,5m, thời gian làm lễ tối đa 10 phút, không mở nhạc khi làm lễ...

Bởi ngày kết hôn của Nguyễn Phương Trang và Danny diễn ra đúng thời điểm Hà Lan và một số nước châu Âu như Pháp, Bỉ... áp lệnh lockdown lần thứ hai trong đại dịch Covid-19. Lễ kết hôn lại tiến hành tại tòa thị chính thành phố Schiedam miền Nam Hà Lan, đây là khu vực đứng đầu cả nước về số ca nhiễm bệnh.

Nguyễn Phương Trang kể: “Đầu tháng 6 năm nay, chúng tôi quyết định chọn ngày 11-11 làm lễ kết hôn. Lúc đó quán xá nhà hàng đã mở cửa trở lại sau đợt dịch đầu tiên. Hai vợ chồng hy vọng cuối năm sẽ thuận lợi để cùng nhau tổ chức bữa tiệc gia đình tưng bừng sau khi làm lễ. Thế mà dịch lại bùng lên. Tôi và Danny vẫn quyết định theo kế hoạch, bởi đã chọn được ngày ý nghĩa với cả hai, trừ khi tòa thị chính có thay đổi”.

Ngày 11-11 dễ nhớ và nhiều ý nghĩa không chỉ riêng đôi bạn trẻ này mà còn với người châu Âu: Ngày lễ độc thân và cũng là ngày Chiến tranh Thế giới thứ nhất được tuyên bố kết thúc (11-11-1918) bằng hiệp định đình chiến, khép lại một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất lịch sử nhân loại.

Dẫu vậy, cô dâu đã tự trang điểm và diện đầm đẹp vẫn chạnh lòng khi đọc tấm biển “Bắt buộc đeo khẩu trang” trên cửa tòa thị chính thành phố Schiedam. Lễ kết hôn thời dịch giã vô cùng đơn giản: hai vợ chồng và ba mẹ chồng ở vai trò người làm chứng, một người chủ trì lễ của tòa thị chính.

May mắn, vào phòng riêng mọi người được phép bỏ khẩu trang. Nhiều nghi thức phải giản lược, người làm lễ chỉ đọc những điều quan trọng nhất như ý nghĩa của hôn nhân và tình yêu, nghĩa vụ và trách nhiệm của vợ chồng. Người làm lễ cũng đồng ý cho mẹ chồng cô vừa “đạo diễn” vừa quay phim để gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Còn bố chồng làm nhiệm vụ trao nhẫn cho hai con thực hiện nghi thức đeo nhẫn. 

Lễ kết hôn thời dịch giã vô cùng đơn giản: hai vợ chồng và ba mẹ chồng ở vai trò người làm chứng, một người chủ trì lễ của tòa thị chính
Ba mẹ ở Việt Nam không thể hiện diện trong ngày đặc biệt này, nhưng Phương Trang vô cùng xúc động khi thấy tên ba mẹ mình trong sổ đăng ký kết hôn. Ba mẹ cô dậy từ sớm (giờ Việt Nam) vì hồi hộp trong ngày con gái lấy chồng xứ xa. Trang nhớ lại: “Ba mẹ gửi tin nhắn chúc mừng và dặn tôi phải sống hiếu nghĩa với gia đình chồng”.

Lễ kết hôn đơn giản nên bữa tiệc diễn ra trong gia đình chồng của Trang sau đó cũng tổ chức gọn nhẹ. Một chiếc bánh kem in hình hai vợ chồng, hoa, thiệp chúc mừng. Bạn bè thân không đến dự được cũng gửi quà. Nhìn nước mắt mẹ chồng rơi, Trang biết mình không hề thiệt thòi, ngược lại, cô đã có nơi chốn yêu thương, tìm được một gia đình mới thực sự ở quê hương thứ hai.

Nếu không xuất hiện đại dịch Covid-19, lễ kết hôn của cô sẽ có thêm những người bạn thân, có thể cùng nhau quây quần trong một bữa tiệc rộn ràng hơn. Nhưng đối với Trang, nhờ kết hôn trong thời điểm đặc biệt này, cô càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa, tấm lòng chân thành mọi người dành cho mình. Mọi người vẫn khỏe mạnh, luôn nghĩ đến nhau dù ở xa hay gần, đó mới là điều quan trọng nhất.

Sang Hà Lan từ năm 2017, học thạc sĩ Truyền thông tại Đại học Ứng dụng The Hague, Phương Trang hiện làm một số việc bán thời gian trong khi chờ xin được việc chính thức. Cô tin rằng chỉ có đi làm, học tiếng địa phương thật tốt mới thực sự hòa nhập cuộc sống mới.

Phương Trang cho biết thích nhất ở Hà Lan là: “Chú trọng sự cân bằng giữa công việc và đời sống. Một ngày làm việc đúng 8 tiếng, cuối tuần đạp xe, tập thể dục và thư giãn, gặp gỡ gia đình. Quanh các khu dân cư luôn xen kẽ nhiều mảng xanh của công viên, rừng, biển... Tôi không cảm thấy khó khăn trong việc hòa nhập cuộc sống nơi này”.

Tin cùng chuyên mục