Kết quả từ những chương trình đột phá

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Tây Ninh đã đạt được nhiều chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng về thu hút đầu tư, thu ngân sách, phát triển nông thôn mới, giảm nghèo. Và bí quyết của những thành công đó chính là nhờ thực hiện tốt các chương trình đột phá về kinh tế - xã hội.  
Hệ thống cáp treo tại Khu du lịch Núi Bà (tỉnh Tây Ninh)
Hệ thống cáp treo tại Khu du lịch Núi Bà (tỉnh Tây Ninh)

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đã chọn ra 4 chương trình đột phá đi kèm là các lĩnh vực trọng tâm cần ưu tiên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển du lịch, trọng tâm là phát triển Khu du lịch (KDL) núi Bà Đen trở thành KDL đẳng cấp quốc gia, điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam bộ; phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng, minh bạch.

Trên tinh thần đó, tỉnh đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, TPHCM nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ phê duyệt chủ trương phát triển dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài để tạo đột phá về giao thông mang tính kết nối vùng, thúc đẩy kinh tế đối ngoại quốc gia. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tổ chức hội nghị, hội thảo cấp khu vực và quốc gia như hội thảo - hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ tháng 6-2020, trước đó là hội thảo quốc gia về đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút được 367 dự án đầu tư trong và ngoài nước với số vốn đăng ký 4,57 tỷ USD và 43.898 tỷ đồng, thuộc nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao của cả nước. Đáng chú ý, tỉnh đã thu hút và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Tanifood với tổng mức đầu tư 1.820 tỷ đồng, công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày, góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như mãng cầu, thanh long, dứa, bưởi, mía và dự án trang trại bò sữa quy mô lớn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng đàn 8.000 con của tập đoàn Vinamilk, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho bà con nông dân trong tỉnh. KDL quốc gia núi Bà Đen được Tập đoàn Sun Group đầu tư tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà cùng nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới, có sức lan tỏa đến du lịch địa phương, giúp tốc độ tăng trưởng về doanh thu và lượng khách tăng bình quân 15%/năm. Kinh tế phát triển nhanh đã giúp tốc độ thu ngân sách tăng bình quân 9,9%/năm và tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2010-2015. Uớc tính năm 2020, tỉnh thu ngân sách đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã đề ra giải pháp tiếp tục thực hiện 4 chương trình đột phá để phấn đấu đến năm 2025 đưa thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước và đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam bộ.

Tin cùng chuyên mục