Kêu gọi đầu tư trạm quan trắc không khí tự động

TPHCM đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm không khí (ÔNKK), nhưng các công cụ quan trắc vẫn chưa được đầu tư đúng mức. 
TPHCM đang kêu gọi đầu tư các trạm quan trắc không khí tự động
TPHCM đang kêu gọi đầu tư các trạm quan trắc không khí tự động

Vẫn quan trắc bằng hình thức thủ công

Tình trạng ÔNKK tại TPHCM đang có những diễn biến khó dự đoán, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Thế nhưng, để tìm kiếm thông tin về thực trạng, dự báo chất lượng không khí vẫn là thứ “xa xỉ” với người dân thành phố. Những bất cập này đều xuất phát từ việc thành phố đang rất thiếu các trạm quan trắc không khí tự động. Hiện nay, thành phố vẫn chủ yếu thực hiện quan trắc không khí bằng phương pháp thủ công, mà quan trắc thủ công thì ít nhất mất 3 ngày mới có kết quả. Quy trình quan trắc bằng phương pháp thủ công nhiều khi khiến cơ quan chức năng bị động trong việc theo dõi và cảnh báo mức độ ô nhiễm, đặc biệt khi có những hiện tượng bất thường. 

PGS-TS Mai Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên môi trường (Sở TN-MT TPHCM), cho biết, để nâng cao năng lực quan trắc cũng như kịp thời cập nhật thông tin về chất lượng không khí trên địa bàn TPHCM, năm 2020, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, trong năm 2020, TPHCM dự kiến đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 1 trạm quan trắc không khí tự động, di dộng. Ngoài ra, TPHCM tìm kiếm nguồn tài trợ và xã hội hóa để đầu tư thêm 11 trạm quan trắc không khí tự động, liên tục (sau năm 2020 đến trước năm 2030). Thế nhưng, hiện tại, Sở TN-MT mới triển khai đầu tư 2 trạm quan trắc tự động, liên tục đặt tại Phòng GD-ĐT quận Bình Tân và Khu công nghệ cao TPHCM, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2022. 

Theo đánh giá của Sở TN-MT, hiện nay, công tác quan trắc chất lượng môi trường không khí còn nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng gồm cả trang thiết bị... vẫn chưa hoàn chỉnh. Đến nay, thành phố chỉ thực hiện quan trắc chất lượng không khí bằng hình thức thủ công với 30 trạm. Trong khi việc kêu gọi đầu tư các trạm quan trắc đang gặp khó do nguồn vốn hạn hẹp. Vì vậy, sở đã kiến nghị HĐND thành phố hỗ trợ và bố trí ngân sách cho dự án đầu tư nâng cao năng lực quan trắc cho Trung tâm quan trắc Tài nguyên môi trường để phục vụ thiết thực và hiệu quả hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường cho người dân và công tác quản lý môi trường của cơ quan chức năng. Đồng thời, tăng cường cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, phát triển hệ thống giao thông công cộng và từng bước thay đổi nhiên liệu xanh (từ xăng sang điện), có giải pháp quản lý tốt hơn đối với công trình xây dựng để giảm nồng độ bụi. 

Khuyến khích xã hội hóa đầu tư

PGS-TS Mai Tuấn Anh cho biết, nhằm tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng môi trường, kịp thời phát hiện và dự báo, cảnh báo ÔNKK, nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, Sở TN-MT đang kêu gọi các đơn vị có đủ năng lực để triển khai đầu tư các trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tự động, liên tục theo hình thức xã hội hóa. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Thành Thiên, Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường thành phố tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt, trong đó, công tác đầu tư thiết lập các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục rất được chú trọng. Tuy nhiên, do một số khó khăn trong công tác đầu tư, đặc biệt do tình hình dịch Covid-19 nên đến nay mạng lưới quan trắc tự động liên tục của thành phố vẫn chưa hình thành. Trên cơ sở những yêu cầu thực tiễn và mong muốn cùng đồng hành với thành phố trong công tác triển khai mạng lưới, nâng cao năng lực quan trắc môi trường trên địa bàn TPHCM, nhằm cung cấp số liệu quan trắc chính xác, kịp thời để đánh giá, theo dõi, cảnh báo chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý của chính quyền thành phố cũng như công bố, cảnh báo cho người dân, công ty kiến nghị thành phố cho phép tiếp tục khảo sát, nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi để mở rộng và phát triển các trạm quan trắc tự động. Hiện Công ty CP Công nghệ Thành Thiên đã nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất đầu tư 9 trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tự động, liên tục ở huyện Cần Giờ, Bình Chánh, TP Thủ Đức và quận 12.

PGS-TS Phùng Chí Sĩ, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhìn nhận, môi trường không khí ở TPHCM đang bị ô nhiễm. Nguyên nhân gây ÔNKK do nguồn thải từ hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt hằng ngày của người dân và hoạt động đốt rơm rạ ở một số tỉnh lân cận. Trong khi hệ thống quan trắc không khí ở thành phố thiếu và yếu, không đáp ứng nhu cầu thực tế. Việc quan trắc bằng hình thức thủ công không theo kịp diễn biến tình trạng ÔNKK hiện nay để cảnh báo người dân. Thành phố cần đầu tư mạnh hơn cho các công trình quan trắc tự động để có thể cảnh báo rộng rãi các nguồn gây ô nhiễm, nồng độ gây ÔNKK đến người dân tốt hơn. Thông qua hệ thống quan trắc tự động, chúng ta biết được chất lượng không khí đang ở mức nào, tốt hay xấu, những chất nào đang vượt quá quy chuẩn, xu hướng thay đổi ra sao để từ đó có các biện pháp phòng ngừa.

Tin cùng chuyên mục