Xã hội hóa đầu tư xây dựng KTX

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư: Quá khó!

- Phó Vụ trưởng TRẦN DUY TẠO:
Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư: Quá khó!

Sau loạt bài “Xây dựng KTX sinh viên – Vì sao doanh nghiệp chưa vào cuộc” phản ánh những bức xúc từ phía các trường đại học và doanh nghiệp trong vấn đề đầu tư xây dựng KTX, giải quyết chỗ ở cho sinh viên, phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Duy Tạo, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT), cơ quan trực tiếp quản lý và triển khai Đề án giải quyết chỗ ở cho sinh viên các trường ĐH, CĐ đến năm 2010.

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư: Quá khó! ảnh 1

Ông Trần Duy Tạo.Ảnh: V.L.

- Phóng viên: Thưa ông, vì sao các chính sách ưu đãi trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết chỗ ở cho sinh viên (SV) các trường ĐH, CĐ đến năm 2010,  chưa thu hút được các doanh nghiệp vào cuộc?

- Phó Vụ trưởng TRẦN DUY TẠO: Mấy năm trước, ở Hà Nội đã có một doanh nghiệp tham gia xây dựng KTX SV (Làng SV Hacinco). Lúc đó, doanh nghiệp được cấp đất và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của TP. Nhưng chỉ được một thời gian cho SV thuê với mức giá trung bình 50.000 – 70.000 đồng/người/tháng, doanh nghiệp này đã nâng giá thuê lên khiến làng SV không còn một bóng SV nào cả. Đây là bài học chúng ta cần nghiên cứu. Tôi cho rằng, doanh nghiệp chưa mặn mà xây dựng KTX SV do họ phải đầu tư vốn lớn (trung bình 7 - 10 tỷ đồng) nhưng thời gian thu hồi vốn rất lâu (khoảng 20 năm), lợi nhuận thấp.

- Theo thăm dò của chúng tôi, có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư xây dựng KTX nếu có cơ chế kinh doanh KTX, nếu được thu tiền thuê nhà theo giá thị trường?

- Đã có không ít doanh nghiệp để ý đến việc đầu tư KTX, nhưng chưa có đơn vị nào chịu bỏ vốn đầu tư. Xây dựng KTX có đặc trưng so với các công trình xây dựng khác là phải đảm bảo chất lượng, đồng thời phải có mức giá thuê hợp lý. Người có nhu cầu ở KTX thường là con em nông thôn, trong đó một tỷ lệ không nhỏ là những đối tượng nghèo.

Khả năng chi trả chỗ ở của các SV này không thể cao hơn quá nhiều so với mức phí ở KTX hiện nay. Trong khi đó kinh phí xây dựng cần hàng chục tỷ đồng mà các nhà đầu tư cần lợi nhuận, cần thu hồi vốn trong khoảng thời gian càng ngắn càng tốt. Theo tôi, với vấn đề xây dựng KTX, phải trông chờ  và kêu gọi lòng hảo tâm của doanh nghiệp là chủ yếu.

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư: Quá khó! ảnh 2

Được vào ở KTX là niềm mơ ước của rất nhiều sinh viên.  Ảnh: Đ.V.D.

- Vậy đâu sẽ là nguồn vốn chủ lực để xây dựng KTX, thưa ông?

- Theo tôi, vẫn là từ ngân sách địa phương và từ quỹ phát triển nhà ở. Ngoài ra, có thể huy động thêm vốn từ kinh phí hoạt động, đào tạo, nghiên cứu của các trường và các nguồn viện trợ quốc tế  (ĐH Huế, ĐH Y Thái Nguyên vừa được Tổ chức Đông –Tây hội ngộ của một nhà tỷ phú người Mỹ tài trợ xây dựng hai khu KTX ). 

- Vậy Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra những giải pháp quyết liệt nào để có thể đáp ứng nhu cầu chỗ ở của SV?

- Có một hướng giải quyết rất khả thi, hiệu quả lâu dài và đã được thực hiện ở một số trường ĐH phía Nam: các địa phương đầu tư kinh phí xây dựng KTX tại các trường đại học cho con em tỉnh nhà. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ vận động nhân rộng cách làm này.  Đồng thời, Bộ GD-ĐT đang xúc tiến thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án giải quyết chỗ ở cho SV với sự tham gia của một số bộ và UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM (nơi tập trung nhiều trường ĐH, CĐ), trưởng ban chỉ đạo sẽ là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ban chỉ đạo này dự  kiến sẽ hoạt động vào đầu tháng 12 –2005 nhằm khai thông chủ trương, chuẩn bị cho kế hoạch 2006 – 2007. Bộ GD-ĐT với tư cách là cơ quan điều phối sẽ cùng với các bộ, ngành và địa phương tìm cách tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai, vốn đầu tư cũng như cơ chế đầu tư xây dựng KTX. Trước mắt, năm 2006, Bộ Tài chính chấp thuận cấp 80-100 tỷ đồng để thực hiện đề án này trong năm đầu tiên.

VIỆT LAN

Theo báo cáo của 150 trường ĐH, CĐ thời điểm tháng 4-2004, trong số 618.726 SV đang theo học hệ chính quy tập trung thì chỉ có 134.621 SV đang ở KTX, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 22%. Số SV ở ngoài KTX chiếm 78%, trong đó, có khoảng 50% tổng số SV có nhu cầu ở KTX (khoảng 250.000 người).
Tính chung cả nước, vào thời điểm tháng 4-2004, có khoảng 360.000 SV phải thuê nhà ngoài các KTX của các trường CĐ, ĐH.
Để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho SV, tổng diện tích KTX cần xây dựng mới khoảng 970.000m2, diện tích KTX cần cải tạo, nâng cấp khoảng 730.000m2; tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.
(Nguồn: Đề án giải quyết chỗ ở cho sinh viên các trường ĐH, CĐ đến năm 2010 – Bộ GD-ĐT).

Tin cùng chuyên mục