Khắc phục tình trạng “làm luật trong phòng máy lạnh”

Khắc phục tình trạng “làm luật trong phòng máy lạnh”

(SGGPO).- Chiều 28-3, kỳ họp Quốc hội tiếp tục với nội dung thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.

Trong khi ghi nhận nhiều thành tựu trong hoạt động của Quốc hội, Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhấn mạnh 2 khoản “nợ” của Quốc hội đối với cử tri, nhân dân. Đó là hiệu quả chưa như mong muốn trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo và đấu tranh phòng chống, tham nhũng.

“Cử tri nhận xét Quốc hội đã nói rất nhiều nhưng tham nhũng vẫn còn đó và có xu hướng phát triển thêm”, ĐB Nguyễn Anh Sơn thẳng thắn bình luận. Bên cạnh đó, theo ĐB Anh Sơn, dù đã có nhiều điểm sáng, nhiều cải thiện trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng có nhiều vấn đề tồn đọng đã nhiều năm chưa có chuyển biến. Trong chất vấn, ĐBQH đã nêu cao trách nhiệm trước cử tri, ngày càng tự tin hơn, không ngại va chạm, không có chuyện lãnh đạo bộ ngành “vỗ vai” ĐB… Tuy nhiên, có nhiều việc gần như chưa thay đổi gì, cứ mỗi kỳ họp cử tri vẫn phải kiến nghị lại, như tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả tràn lan; mất vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đồng tình với ĐB Nguyễn Anh Sơn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu: “Qua tiếp xúc với cử tri, tôi đồng tình với một số ĐBQH về nhận định cho rằng phản ứng của Quốc hội đối với vấn đề biển Đông chưa đúng mức và quyết liệt như tình hình đòi hỏi”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng yêu cầu Quốc hội khóa tới quan tâm đảm bảo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật. “Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật có hiệu lực thi hành như luật, nhưng việc không hoàn thành luật đúng thời hạn vẫn phổ biến, có luật bị hoãn nhiều lần, rồi phải chuyển sang nhiệm kỳ sau, như Luật về Hội, Luật Biểu tình. Nếu đã đưa vào nghị quyết thì phải tuân thủ, không hoàn thành thì phải có chế tài”, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị.

Tính tuân thủ Hiến pháp của các văn bản luật và dưới luật cũng là vấn đề khiến ĐB Nghĩa trăn trở. Ông nhận xét: “Nước ta không có Toà án Hiến pháp nên Quốc hội phải theo dõi sát sao việc tuân thủ Hiến pháp. Vừa qua, công tác này chưa thật tốt nên đã có những luật có vùng xám, tạo kẽ hở cho công chức nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp”.

Bày tỏ chưa yên tâm về việc đảm bảo an toàn tính mạng, nhân phẩm, tài sản của người dân và bức xúc trước nhiều hành vi vi phạm pháp luật công khai, trắng trợn, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội khóa XIV tăng cường giám sát thực thi pháp luật trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống...

Ttong khi đó, từ nhận định Quốc hội khóa XIII đã đưa ra những điều chỉnh chính sách rất mạnh mẽ và đúng đắn so với dự thảo do cơ quan hành pháp trình sang, ĐB Nguyễn Văn Tiên đề nghị Quốc hội khóa tới tiếp tục “dũng khí” này và tổ chức tốt hơn công tác phân công thẩm tra các dự án luật; đặc biệt là khuyến khích ĐBQH đi thực tế cơ sở; khắc phục tình trạng “làm luật trong phòng máy lạnh”.

Một số vấn đề cụ thể, thiết thực đối với cuộc sống người dân cũng đã được ĐB Tiên gửi gắm đến Quốc hội nhiệm kỳ sau, đó là giám sát chặt chẽ hơn nữa hiệu quả đầu tư công, đặc biệt là suất đầu tư các công trình giao thông. “Làm thế nào để giá sữa phải rẻ hơn rượu bia, thuốc lá và có đủ vắc xin cho trẻ em”, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhắc nhở.

Cũng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) bày tỏ quan tâm đến việc phát huy vai trò giám sát của các đoàn ĐBQH, ĐBQH, nhất là đối với việc giải quyết các vấn đề cụ thể. “Vừa qua, nhiều vị ĐBQH đã đóng góp rất hiệu quả vào việc giám sát xử lý án oan sai”, ông Hùng ghi nhận.

Về báo cáo của Kiểm toán nhà nước, nhiều vị ĐBQH có chung nhận định cho rằng Báo cáo mới chỉ phân tích những hạn chế trong nội bộ ngành kiểm toán, song có một thực tế đáng quan ngại là việc thực thi pháp luật về kiểm toán chưa tốt; cụ thể là tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán thấp trong khi thiếu chế tài xử lý. Một số lĩnh vực như đầu tư công, nợ công, chất lượng công trình đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nhưng còn ít được kiểm toán. ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đè nghị có sự phối hợp tốt hơn giữa cơ quan kiểm toán với các cơ quan khác của Quốc hội và ĐBQH để việc phê duyệt quyết toán hàng năm thực chất hơn. Ông nói: “Hiện có tình trạng báo cáo quyết toán dự ước và thực tế vênh nhau khá lên, bội chi thực luôn cao hơn dự ước mà không ai chịu trách nhiệm cả”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục