

Hôm qua 21-3, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XI bước sang ngày làm việc thứ hai. Quốc hội đã nghe các tờ trình về việc thực hiện dự án Khí điện đạm Bà Rịa - Vũng Tàu và phương án xây dựng Nhà Quốc hội. Sau đó, các ĐBQH đã tiến hành thảo luận tại tổ về công tác cả nhiệm kỳ khóa XI của Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội; công tác cả nhiệm kỳ 2002-2007 của Chủ tịch nước và nhiệm kỳ 2002-2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Luật “khung” nên khó đến được với dân
Theo đánh giá của đại biểu Phạm Phương Thảo (TPHCM), Quốc hội khóa XI đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng với nhiều đổi mới, cải cách: “Người dân đã quan tâm nhiều hơn tới hoạt động Quốc hội, điều đó nói lên rằng Quốc hội đang mạnh lên”. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Phương Thảo cũng như nhiều đại biểu khác đã dành phần lớn thời gian để phân tích, mổ xẻ những tồn tại, yếu kém trong nhiệm kỳ qua của Quốc hội ở cả 3 mặt: lập pháp, giám sát, và quyết định các vấn đề quan trọng. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm với mong muốn Quốc hội khóa XII sẽ khắc phục được những khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động.
Tồn tại đầu tiên được nhiều đại biểu nhắc tới là tình trạng luật “khung”, thiếu cụ thể vẫn còn phổ biến. “Hiện nay, Chính phủ còn “nợ” nhiều nghị định hướng dẫn vì luật khung quá nhiều” - đại biểu Nguyễn Thành Phong (TPHCM) nói. Bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH thì gọi việc xây dựng luật và giao cho Chính phủ hướng dẫn là “việc làm luật được đẩy sang hành pháp và không đúng chức năng”. Điểm này rất đáng đổi mới và Quốc hội phải tìm nội dung hành động chứ không phải nói do lý thuyết. Một chuyên gia lập pháp - đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TPHCM) cũng nhận xét, do luật “khung” nhiều nên khó đến được với dân: “Luật càng cụ thể, càng nhẹ cho dân. Nếu ra không mạnh dạn thí điểm xây dựng luật cụ thể thì sẽ chỉ nói mãi mà không có biện pháp”.
Chính quyền không dự tiếp xúc cử tri: ĐBQH không giải quyết được bức xúc của dân
Ghi nhận những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XI, đặc biệt là những cải tiến về hoạt động chất vấn, tuy nhiên nhiều đại biểu cũng bày tỏ trăn trở về vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thế Hiệp (TPHCM) bức xúc: “Ở cơ sở, dân oan khuất nhiều, nhưng chúng tôi - những đại biểu Quốc hội, còn chưa giúp được”. Điều băn khoăn của đại biểu Hiệp dựa trên những dẫn chứng cụ thể: “Khi đi tiếp xúc cử tri, người dân nêu ra rất nhiều vấn đề, những không có ai giải quyết. Ở một quận ở TPHCM, khi ĐBQH tiếp xúc cử tri, không có một quan chức cấp quận nào tham dự”. Trong khi đó, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TPHCM) cho biết, ở các cuộc tiếp xúc cử tri, đến 80% bức xúc của dân thuộc trách nhiệm giải quyết của chính quyền cơ sở. Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cũng nói rằng, đây là một khâu yếu trong giám sát của Quốc hội.
BẢO - HÀ - VÂN
Sẽ xây dựng nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình |
14 địa phương và 1 bộ chưa có báo cáo phòng chống tham nhũng |