Khắc phục tình trạng ùn tắc đăng kiểm: Sửa quy định để gỡ các nút thắt

Mặc dù Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã rất nỗ lực tháo gỡ nhưng đến thời điểm này, tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK), đặc biệt là tại khu vực phía Nam, vẫn diễn biến phức tạp. Người dân đang chờ các cơ quan chức năng sớm có thêm giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Các xe xếp hàng chờ kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm 50.03S (TPHCM). Ảnh: THANH HẢI
Các xe xếp hàng chờ kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm 50.03S (TPHCM). Ảnh: THANH HẢI

Vẫn ùn tắc

Thông tư số 02/2023 (viết tắt Thông tư 02) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được kỳ vọng sẽ kéo giảm tình trạng ùn tắc tại các TTĐK. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng Thông tư 02 có hiệu lực, theo ghi nhận tại Hà Nội, TPHCM và một số địa phương, nhiều TTĐK vẫn đang trong tình trạng quá tải, nhiều xe được phát phiếu kiểm định với thời gian kéo dài đến giữa tháng 5-2023.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam, việc miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới quy định tại Thông tư 02 không đủ tác động làm giảm tình trạng quá tải tại các TTĐK, do số lượng phương tiện thuộc đối tượng miễn kiểm định lần đầu mỗi năm chỉ khoảng trên 500.000 xe. Bên cạnh đó, việc giãn chu kỳ đăng kiểm cho một số loại phương tiện cũng không phát huy ngay được hiệu quả, do hơn 3,1 triệu xe thuộc đối tượng này vẫn phải đến đăng kiểm đúng hạn và chỉ được áp dụng quy định mới ở chu kỳ tiếp theo. Nghĩa là số lượng phương tiện đến kỳ kiểm định hiện nay và trong thời gian tới vẫn rất lớn. Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, có rất nhiều phương tiện đã đến hạn kiểm định nhưng lại nhận được phiếu hẹn đăng kiểm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 nên xe bị buộc phải để ở nhà, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đối với các phương tiện cá nhân, xe không hoạt động được do quá hạn đăng kiểm cũng gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc đi lại.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong tháng 4-2023, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện và lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 139, đồng thời với việc xây dựng Đề án thay đổi mô hình, tổ chức của Cục ĐKVN. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, nếu triển khai nhanh 2 việc trên, hoạt động đăng kiểm sẽ sớm trở lại bình thường.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục ĐKVN, cho biết, nguyên nhân tình trạng quá tải vẫn diễn ra trước hết là do cả nước còn 47 TTĐK chưa thể hoạt động trở lại. Trong khi đó, nhiều TTĐK đang hoạt động ở mức tối thiểu do thiếu đăng kiểm viên. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là ý thức của một số chủ phương tiện trong việc bảo dưỡng, sửa chữa các khiếm khuyết, hư hỏng trước khi đưa xe đi kiểm định còn kém, dẫn tới tỷ lệ phương tiện mắc lỗi khiếm khuyết, hư hỏng, phải khắc phục để kiểm định lại tăng cao. Nhiều phương tiện phải kiểm định nhiều lượt, thậm chí có phương tiện kiểm định lại đến 6 lượt mới đạt yêu cầu, dẫn đến làm gia tăng tình trạng ùn tắc.

Cần bỏ giới hạn số xe được kiểm định

Theo ông Nguyễn Tô An, để giải quyết tình trạng ùn tắc tại các TTĐK, vấn đề quan trọng nhất là khẩn trương mở lại các TTĐK đang dừng hoạt động, bổ sung nhân lực đăng kiểm viên. Cục ĐKVN đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các địa phương để khôi phục các TTĐK còn lại, đặc biệt là tại khu vực TPHCM. Đồng thời, Cục ĐKVN đã có kế hoạch bổ sung nhân lực đăng kiểm viên, điều động đăng kiểm viên từ các khu vực không bị quá tải về các TTĐK tại TPHCM, phấn đấu sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc ngay trong tháng 4-2023. Cục ĐKVN cũng khuyến nghị các chủ phương tiện cần chủ động đi bảo dưỡng, sửa chữa các khiếm khuyết, hư hỏng trước khi đưa phương tiện đi kiểm định, giúp giảm tải cho hệ thống đăng kiểm.

Kiểm định xe cơ giới tại Trung tâm Đăng kiểm 5007V (TPHCM). Ảnh: THANH HẢI

Kiểm định xe cơ giới tại Trung tâm Đăng kiểm 5007V (TPHCM). Ảnh: THANH HẢI

Về việc giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc đăng kiểm, đại diện Cục ĐKVN cho biết vẫn phải chờ sửa Nghị định 139 quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, với nhiều điểm nút thắt sẽ được tháo gỡ. Trước hết, dự kiến sẽ xóa bỏ quy định giới hạn số lượng xe được kiểm định trên một dây chuyền trong ngày. Hiện nay, việc phát phiếu hẹn của các TTĐK đang dựa trên tổng số xe mà dây chuyền kiểm định được phép kiểm định tối đa trong ngày, tức là chỉ khoảng 60-70 xe/dây chuyền. Nhiều TTĐK cho biết sẽ sẵn sàng tăng năng suất để phục vụ người dân nếu việc giới hạn được xóa bỏ. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị định 139 cũng sẽ cho phép giảm số lượng đăng kiểm viên cần có trên một dây chuyền kiểm định, từ tối thiểu 3 đăng kiểm viên và 1 đăng kiểm viên bậc cao chỉ còn tối thiểu 2 đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định. Đồng thời, việc cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện tham gia kiểm định xe; nới lỏng các điều kiện của đăng kiểm viên… cũng giúp tăng năng lực kiểm định cho hệ thống đăng kiểm.

Còn 47 trung tâm đăng kiểm chưa khôi phục hoạt động

Cục ĐKVN cho biết, toàn hệ thống đăng kiểm có 281 TTĐK xe cơ giới với 491 dây chuyền kiểm định, cần tổng số đăng kiểm viên là 2.014 người. Thời gian qua, công an các tỉnh, thành phố điều tra, khám xét, khởi tố và bắt giam trên 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên; đã có 103 TTĐK phải tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra.

Đến thời điểm này, Cục ĐKVN đã đưa 56 TTĐK hoạt động trở lại, còn 47 TTĐK chưa thể hoạt động do đang phục vụ công tác điều tra. Trong đó, tại TP Hà Nội hiện có 20/31 TTĐK với 27/61 dây chuyền kiểm định hoạt động, chỉ đáp ứng được 36% nhu cầu kiểm định. Tại TPHCM, hiện có 14/19 TTĐK với 31/48 dây chuyền kiểm định hoạt động trở lại, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu kiểm định, chưa kể số lượng các phương tiện bị ùn tắc chưa kiểm định được.

Tin cùng chuyên mục