Doanh nghiệp thông báo giảm, ngành du lịch khẳng định tăng. Câu chuyện về thị trường khách Hàn Quốc bỗng trở nên nóng bỏng trong thời gian gần đây, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về những hệ luỵ của ngành du lịch Đà Nẵng khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường khách.
Khách Hàn Quốc tham quan Khu du lịch Bà Nà
Bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc kinh doanh khách sạn Luxury Đà Nẵng cho biết, 6 tháng đầu năm khách Hàn Quốc đăng ký lưu trú tại đơn vị sụt giảm khoảng 20%, đột biến nhất bắt đầu thời điểm vào hè. Cụ thể, giai đoạn này năm ngoái, tỷ lệ khách Hàn Quốc đặt phòng khách sạn luôn đạt 85 - 95%, nhưng năm nay chỉ còn 75 - 80%.
Tương tự, theo ông Trần Đình Trí, Giám đốc khách sạn Phú Mỹ Long, dù thị trường chính của khách sạn không phải Hàn Quốc nhưng tỷ lệ khách Hàn đặt phòng cũng giảm mạnh, hiện chỉ còn chiếm 5 -10% trong tổng cơ cấu khách lưu trú tại đơn vị.
Tuy nhiên, chịu tác động mạnh nhất phải kể đến Công ty Omega Tours, đơn vị chuyên đón khách thị trường Hàn Quốc tại Đà Nẵng nhiều năm qua. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours thừa nhận, lượng khách Hàn Quốc của công ty hiện đã sụt giảm đến 30%.
Để duy trì hoạt động kinh doanh, từ cuối năm ngoái đơn vị đã bắt đầu mở rộng dòng khách đến những thị trường mới như Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia… nhưng xem ra khó thể thay thế tương xứng, chưa kể khả năng chi tiêu của những thị trường khách này cũng thấp hơn khách Hàn Quốc.
“Nhiều năm nay khách Hàn Quốc luôn chiếm vị trí độc tôn trong tổng cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng, nên bây giờ chỉ cần sụt giảm 20 – 30% là rất nhiều doanh nghiệp lao đao”, ông Anh chia sẻ.
Các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại TP Đà Nẵng đã bão hoà với khách Hàn Quốc
Theo phân tích của các doanh nghiệp, nguyên nhân khiến khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng sụt giảm mạnh, ngoài sản phẩm du lịch, dịch vụ đã bão hòa (theo chu kỳ 5 – 7 năm) thì một nguyên nhân không kém quan trọng là sự nổi lên của 2 điểm du lịch mới Nha Trang và Phú Quốc, nơi có nhiều sản phẩm giải trí được khách Hàn ưa thích, đặc biệt là các chính sách ưu đãi của những địa phương này, thậm chí tại Phú Quốc, từ tháng 3-2019 Chính phủ đã ban hành cơ chế thông thoáng cho hòn đảo nhằm thúc đẩy thu hút du lịch, thể hiện qua việc miễn thị thực nhập cảnh lên đến 30 ngày cho khách quốc tế khi du lịch đến Phú Quốc.
Dù vậy, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng vẫn cho rằng, khách Hàn Quốc không sụt giảm, nếu có chăng là giảm tỷ lệ trong tổng cơ cấu khách. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay khách Hàn Quốc giảm tỷ lệ từ 54,8% xuống còn 49,9%, nhưng vẫn giữ con số hơn 878 nghìn lượt, tăng khoảng 135 nghìn lượt so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2018 đón 743 nghìn khách Hàn Quốc). Năm 2018, Đà Nẵng đón gần 1,7 triệu khách Hàn Quốc, chiếm khoảng 60% trong tổng số gần 3 triệu khách Quốc tế đến thành phố biển này.
Cũng theo ông Bình, ngay từ đầu thành phố đã xác định khách Hàn Quốc (kể cả Trung Quốc) không phải là thị trường khách bền vững, thậm chí rủi ro nên từ 2 năm qua Đà Nẵng đã chuyển hướng đến những thị trường khách khác ở châu Á và châu Âu như Pháp, Đức, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia… nhằm đa dạng dòng khách.
Đặc biệt, thành phố cũng đã phát triển thêm nhiều sản phẩm văn hóa, sinh thái nhằm thu hút thị trường khách châu Âu, Bắc Mỹ, phấn đấu riêng năm 2019 sẽ nâng tỷ lệ 2 thị trường khách này lên con số 13% trong tổng cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng.
Khách du lịch Hàn Quốc đến Đà Nẵng đang có xu hướng sụt giảm
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: “Những năm gần đây Hàn Quốc được xác định là thị trường trọng điểm của du lịch Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo thông tin từ một số doanh nghiệp thì hiện đang có sự sụt giảm của dòng khách này, nhưng để chính xác mình phải kiểm tra lại số liệu. Tất nhiên, giải pháp lâu dài là phải đa dạng hóa dòng khách. Thời gian qua Sở Du lịch cũng đã tăng cường công tác quảng bá ở nhiều thị trường khác nhau, đặc biệt là các thị trường châu Âu, Úc và Đông Nam Á kể cả thị trường Hàn Quốc cũng được xúc tiến, làm mới. Đồng thời, thành phố cũng đang tập trung xây dựng một số sản phẩm văn hóa, sinh thái như khai thác du lịch tuyến đường sông… để đa dạng hóa và phù hợp với các thị trường thay thế sau này”.