Hãng AFP đưa tin, ngày 6-3, với tỷ lệ 370 phiếu thuận và 39 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật áp đặt các khoản thuế mới đối với những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác mà Mỹ cho là có nền kinh tế do nhà nước điều tiết (phi thị trường). Phía Mỹ lập luận biện pháp này nhằm chống lại các biện pháp trợ giá bất công, ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.
Không hợp chuẩn quy định của WTO
Thượng viện Mỹ đã có phiên bỏ phiếu tương tự về dự luật trên ngày 5-3 và Tổng thống Barack Obama dự kiến ký ban hành luật trao quyền cho Bộ Thương mại nước này trong thời gian tới. Chính phủ của ông Barack Obama đã bắt tay soạn thảo dự luật sau khi một tòa phúc thẩm phán quyết tháng 12-2011 rằng Bộ Thương mại Mỹ không thể áp thuế với hàng hóa bị họ cho là bán phá giá và được hưởng trợ cấp của chính phủ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các khoản thuế chống bán phá giá này được áp dụng đối với 23 mặt hàng của Trung Quốc và một mặt hàng của Việt Nam có trị giá tổng cộng 4,7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu mỗi năm. Hiện thuế chống bán phá giá đang được áp dụng đối với mặt hàng thép, nhôm, giấy, hóa chất và các sản phẩm khác nhập từ Trung Quốc cũng như mặt hàng túi nylon nhập từ Việt Nam.
Tháng trước, ông Obama đã thành lập Trung tâm thực thi thương mại để chống lại những trường hợp Mỹ cho là bất công trong thương mại.
Phản ứng trước dự luật trên, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh ngày 7-3 tuyên bố việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật áp đặt các khoản thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ông Trần Đức Minh khẳng định Trung Quốc không có biện pháp trợ giá nào vi phạm các cam kết và nước này chỉ tuân thủ những quy định của các tổ chức quốc tế mà nước này là thành viên. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, Trung Quốc chỉ tuân thủ các quy định của WTO và những cam kết mà nước này đã đưa ra khi gia nhập tổ chức này cách đây 11 năm.
Ông khẳng định: “Chúng tôi không có nghĩa vụ phải tuân theo các quy định và điều luật của bất kỳ quốc gia nào khi các điều luật đó không phù hợp với quy định của các tổ chức quốc tế”.
Gây thiệt hại cho cả người Mỹ
Tân Hoa xã nhận định, việc thông qua dự luật áp đặt các khoản thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ nhằm mục đích bảo vệ thị trường Mỹ - trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp đang trở thành vấn nạn. Nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ đang có cuộc đua tranh quyết liệt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Hai đảng này đều muốn ghi điểm bằng cách thúc đẩy những dự luật được cho là có lợi đối với người lao động Mỹ, thúc đẩy sản xuất và hạn chế nhập khẩu. Mỹ đang tìm cách kéo việc làm về Mỹ và tăng giá trị các mặt hàng sản xuất “made in America”.
Hôm qua, hơn 5.000 người biểu tình xếp thành một hàng dài 5km tại trung tâm TP New York phản đối tình trạng thất nghiệp tại Mỹ, một sự kiện nhằm thu hút sự chú ý trong ngày bầu cử sơ bộ “Super Tuesday” khi cả 10 bang đồng loạt bỏ phiếu chọn ứng cử viên tổng thống.
Tuy nhiên, chính dư luận Mỹ cũng đã từng phản đối các biện pháp áp thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ. Viện Nghiên cứu chiến lược Cato có trụ sở ở thủ đô Washington công bố nghiên cứu về việc Mỹ bảo vệ doanh nghiệp Mỹ bằng hàng rào thuế quan, cho biết chỉ riêng việc áp thuế chống bán phá giá đối với nguyên liệu magiê nhập khẩu từ năm 2005 tới nay đã ảnh hưởng tới gần 10.000 người lao động Mỹ, trong đó có 8.000 lao động gián tiếp. Trong khi đó, chỉ có một số ít doanh nghiệp Mỹ hưởng lợi với số lao động rất nhỏ, khoảng 400 người.
Trong vài năm trở lại đây, những căng thẳng về các dự luật chống bán phá giá giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến giới quan sát lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Bởi đây là hai nền kinh tế lớn trên thế giới. Nếu xảy ra chiến tranh thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ đều bị thiệt hại. Mỹ vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu tại Trung Quốc. Nếu nền kinh tế Mỹ không ổn định dẫn đến sự sụt giá của đồng USD, Trung Quốc cũng sẽ phải chịu mức thiệt hại đáng kể.
Thanh Hằng (tổng hợp)