

Với chủ đề chính là khắc phục trở ngại về kết cấu hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-một hoạt động truyền thống bên lề Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ - đã khai mạc sáng nay (5-12) tại Hà Nội.
Đại diện Chính phủ, các bộ ngành Việt Nam, các Đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự diễn đàn đã cùng nhau đối thoại thẳng thắn về các ưu khuyết trong hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
Sau các báo cáo thường niên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, báo cáo kết quả điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2005 do Công ty tài chính Quốc tế (IFC) thực hiện, Diễn đàn dành phần lớn thời gian để đại diện Chính phủ và giới doanh nghiệp thảo luận về sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện, cảng biển, viễn thông và một số lĩnh vực đầu tư đặc thù như trường học, bệnh viện.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định rằng, có được mức tăng trưởng GDP 8,4% trong năm nay, cao kỷ lục trong 9 năm qua, một phần không nhỏ nhờ sự bươn chải và năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.
Đưa ra mục tiêu phấn đấu mới của Việt Nam là ra khỏi tình trạng một nước kém phát triển vào năm 2010 thay vì ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội như mục tiêu 10 năm trước, Phó Thủ tướng nói: "Chính phủ và nhân dân Việt Nam trông đợi nhiều vào sự đóng góp lớn hơn nữa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước".
Phó Thủ tướng đã đề nghị cộng đồng doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn đến những thách thức của nền kinh tế-xã hội Việt Nam trong thời kỳ mới để định hướng đầu tư phù hợp. Theo đó, bên cạnh việc tăng trưởng về số lượng, các doanh nghiệp nên chú trọng hơn vào các nhân tố chất lượng tăng trưởng, chú ý phát triển nguồn nhân lực, quan tâm đến phúc lợi xã hội và bảo đảm môi trường sinh thái; chuyển hướng đầu tư vào các lĩnh vực còn chưa nhiều tiềm năng là công nghiệp chế biến tiêu thụ nông sản, công nghiệp phụ trợ và các ngành dịch vụ.
Về mục tiêu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói rõ, mặc dù tháng 12 này Việt Nam chưa thể "ăn mừng" được vì những lý do khách quan nhưng không có nghĩa là Việt Nam từ bỏ quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế, một trong những bằng chứng quan trọng là Quốc hội tiếp tục đẩy nhanh công tác lập pháp theo hướng phù hợp với những quy định của WTO. Bởi vậy, "Chính phủ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp không giảm thiểu các nỗ lực hội nhập".
Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Klaus Rohland, đồng chủ toạ diễn đàn này, cũng kêu gọi các đối tác thương mại quốc tế tiếp tục thể hiện rõ hơn thiện chí ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Ông bày tỏ ấn tượng đặc biệt của mình về điểm nổi bật của Việt Nam trong năm qua là mở rộng và nâng cao chất lượng công tác tham vấn quốc tế cho các vấn đề của đất nước.
Ông Klaus Rohland cho rằng sự thảo luận rộng rãi, sôi nổi và dân chủ giữa Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với việc xây dựng các văn bản luật quan trọng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006-2010.
(Theo TTXVN)