Khai mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII

Khai mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII

(SGGPO).- Sáng nay 20-10, Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Trước đó, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội; các đại biểu Quốc hội đã vào lăng viếng Bác và đến đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm Bắc Sơn. Tham dự lễ khai mạc kỳ họp có các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp khác của Đảng và Nhà nước.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII. ẢNH: MINH ĐIỀN

Toàn cảnh Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII. ẢNH: MINH ĐIỀN

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, trong năm 2011 - năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ Nghĩa Xã Hội (bổ sung phát triển năm 2011) - với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng.

“Tuy nhiên, tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục xuất hiện những khó khăn, thách thức mới… Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm rất cao, các giải pháp thích hợp bảo đảm thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả tốt hơn trong những tháng cuối năm 2011, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2012 và những năm tiếp theo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Kỳ họp. ẢNH: MINH ĐIỀN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Kỳ họp. ẢNH: MINH ĐIỀN

Thông báo về những nội dung chính của kỳ họp đến các vị đại biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015.

Theo Báo cáo, do tập trung vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay có phần bị ảnh hưởng. GDP 9 tháng đầu năm 2011 tăng trưởng 5,76%, thấp hơn cùng kỳ năm 2010 và khó có thể đạt được chỉ tiêu kế hoạch năm như Quốc hội đã phê duyệt (7 -7,5%). Tuy nhiên, GDP đã tăng đều qua từng quý, ước cả năm đạt khoảng 5,8 đến 6%.

Về tiền tệ, tín dụng, lãi suất vẫn còn ở mức cao nhưng đang có xu hướng giảm xuống. Toàn ngành ngân hàng đang tích cực giảm lãi suất huy động xuống dưới 14%, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay xuống mức hợp lý. Tình hình thị trường và cân đối ngoại tệ có chuyển biến tích cực. Dự trữ ngoại tệ của Nhà nước được cải thiện đáng kể so với đầu năm 2011.

Chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) sau khi đạt đỉnh vào tháng 4 đã giảm dần từ tháng 5 và xuống mức thấp nhất trong tháng 9. Dự báo CPI tháng 12 năm 2011 tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2010.

Thủ tướng nhấn mạnh, những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô của những tháng đầu năm 2011 bước đầu đã chuyển biến theo hướng tích cực. An sinh xã hội về cơ bản được bảo đảm, nhất là ở khu vực nông thôn. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp giảm bớt khó khăn do tác động của lạm phát. Khoản chi cho các chính sách an sinh xã hội đã chiếm khoảng 1/3 ngân sách quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015 ẢNH: MINH ĐIỀN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015 ẢNH: MINH ĐIỀN

Về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012, Thủ tướng cho biết: “Mục tiêu tổng quát của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đảm bảo phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Bảy nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bao gồm ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường; tiếp tục chăm lo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc…

Một số chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015 được Thủ tướng đề xuất với Quốc hội như sau: lạm phát phấn đấu kiềm chế dưới 10%; các năm sau thấp dần và đến năm 2015 lạm phát khoảng 5-7%. Chỉ tiêu tăng tổng sản phấm trong nước (GDP) năm 2012 khoảng 6- 6,5%’ Chính phủ đề nghị điều hành theo phương án tăng trưởng khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu đạt mức 6,5%. Trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; phấn đấu đạt 7%. Bội chi năm 2012 dự kiến bằng 4,8%, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%. Đến năm 2015, nợ công khoảng 60 - 65% GDP.

Anh Phương

Tin cùng chuyên mục