Khai tăng liệt sĩ để nhận tài trợ?

Sau khi Báo SGGP số ra ngày 28-11-2012 đăng bài “Từ cõi chết trở về” viết về thiếu tá Nguyễn Trần Oanh, người sống sót suy nhất trong trận đánh ở ấp Đá Biên (xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), nhiều người từ các nơi thắc mắc: Vậy đâu là số liệu thật về liệt sĩ tại Đá Biên? Để giải đáp, phóng viên Báo SGGP đã về Long An và Cần Thơ để tìm hiểu sự thật…

30 hay 300 liệt sĩ?

Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 vừa mới xây còn chưa làm hàng rào, bờ kè, cây xanh và bến ghe thuyền nhưng đã được UBND tỉnh Long An công nhận “Di tích lịch sử” cấp tỉnh (!?). Trong khói hương nghi ngút ở miếu thờ liệt sĩ (cũ), mọi người thổn thức nhớ đến những chàng trai hy sinh vì Tổ quốc ở lứa tuổi 20 đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây từ gần 40 năm qua…

Trong nhà tưởng niệm mới xây có ghi danh sách 148 liệt sĩ treo trên 2 bàn thờ hai bên. Chính vì số liệu liệt sĩ này mà ngay trong ngày khánh thành khu tưởng niệm, một số nhà báo đã thắc mắc: “Nghe nói hơn 200 hay gần 300 liệt sĩ mà sao ở đây chỉ ghi có 148 liệt sĩ?”. Một người trong Ban Liên lạc Trung đoàn 207 trả lời: “Do chưa tìm thấy danh sách…”.

Từ thắc mắc này, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hoài Nam, kỹ sư xây dựng, là người thân của liệt Nguyễn Văn Tế và là người đầu tiên viết bài “Những ông Thành hoàng đội mũ cối” ở miếu Bắc Bỏ, ấp Đá Biên đăng trên mạng có nêu thông tin đầu tiên là hơn 241 liệt sĩ hy sinh tại ấp Đá Biên.

Anh Nam cho biết: “Do anh Phan Xuân Thi trong Ban Liên lạc Trung đoàn 207 cung cấp số liệu hơn 200 liệt sĩ để tôi viết bài…”. Đáng tiếc, về sau số liệu sai này tung ra rộng rãi trong dư luận khiến lịch sử bị bóp méo. Đáng lẽ cần có sự chỉnh sửa cho đúng nhưng theo anh Nam: “Khi cán bộ Ngân hàng Viettinbank hỏi lại số liệu liệt sĩ chính xác thì anh Phạm Văn Thông là thành viên trong Ban Liên lạc Trung đoàn 207 vẫn cố tình giấu giếm để được Ngân hàng Viettinbank tài trợ tiền…”.

Sau khi nhận ra việc thông tin sai sự thật này, anh Nam đã gửi thư đến Ban Liên lạc Trung đoàn 207 khẳng định: “3/4 số liệt sĩ ghi tên trong danh sách hy sinh tại ấp Đá Biên là không đúng sự thật”.

Đâu là sự thật?

Trung tá Phạm Hậu, cựu chiến binh Trung đoàn 207 bức xúc: “Một người hy sinh đã đau lòng lắm rồi, tại sao lại có thể khai khống lên hàng trăm liệt sĩ? Không thể chấp nhận việc cố tình bóp méo lịch sử như thế…”. Trung tá Phạm Hậu kể lại: Ngày 3-10-1973, bộ đội ta đang trên đường hành quân từ Campuchia qua ấp Đá Biên về chiến trường Đồng Tháp Mười chiến đấu thì bị địch phát hiện, chúng dùng máy bay, pháo hạng nặng nã vào nơi bộ đội ém quân khiến hàng chục người hy sinh.

Sau trận này, đồng chí Phạm Hậu, lúc đó là chính trị viên đại đội trinh sát trung đoàn đã trực tiếp nhận lệnh từ đồng chí Lê Chư, Chính ủy trung đoàn phân công cùng hai đồng chí khác bơi xuồng vào trận địa vớt xác liệt sĩ, rồi treo lên cây tràm chờ nước rút sẽ chôn cất. Sau giải phóng, anh Tư Tờ và bà con nông dân vào khai hoang đồng ruộng gặp hài cốt liệt sĩ đã lập miếu thờ. Đến khi anh Nguyễn Hoài Nam là người đầu tiên tìm ra nơi liệt sĩ hy sinh và viết bài đăng lên mạng Trung đoàn 207 thì sự việc mới được thông tin rầm rộ.

Là người trực tiếp có mặt trong trận này, đại tá Nguyễn Văn Nghị, nguyên cán bộ Ban chính trị trung đoàn, khẳng định: “Chính tôi là người bị thương trong trận này nên tôi khẳng định làm gì có tới hàng trăm liệt sĩ hy sinh như vậy. Chưa có trận đánh nào của trung đoàn ở chiến trường miền Tây Nam bộ mà hy sinh hàng trăm người…”.

Đại tá Nguyễn Tấn Dẫu, nguyên Chính ủy Trung đoàn 207, cho biết: “Sau tổn thất này, tôi trực tiếp họp bàn rút kinh nghiệm và được biết số liệt sĩ hy sinh tại ấp Đá Biên không thể là vài trăm người được…”. Là người từng cầm quân chiến đấu lừng danh tại vùng Long An, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 cũng khẳng định: “Làm gì có hàng trăm liệt sĩ hy sinh tại ấp Đá Biên, theo tôi thì chỉ có vài chục liệt sĩ thôi…”.

Đáng tiếc những tiếng nói của các nhân chứng sống không được ghi nhận. Ngay thiếu tá Nguyễn Trần Oanh, người duy nhất còn sống sót trong trận đổ chụp này, cho biết: “Khi bị địch phát hiện và nã pháo vào nơi ém quân, tôi quan sát toàn bộ đội hình của ta thì chỉ thấy vài chục người chứ làm gì có mấy trăm người mà hy sinh đông như thế. Cũng không có chuyện bắn cháy máy bay trực thăng và xe tăng ở đây…”.

Khi sự việc vỡ lở, ông Phan Xuân Thi nói: “Đây là số liệu của bà Hai Đấu, nguyên cán bộ Phòng LĐTB-XH huyện Thạnh Hóa cung cấp”. Chúng tôi gặp bà Hai Đấu tại Long An, bà đùn đẩy: “Do nghe ông Ba Phần, trợ lý tác chiến Quân khu 8 cung cấp số liệu…”. Trên cơ sở “án tại hồ sơ”, đại tá Nguyễn Văn Hoàn, Phó Trưởng phòng Chính sách Quân khu 9 một lần nữa khẳng định: “Tại Phòng Chính sách Quân khu 9 chỉ có 27 liệt sĩ hy sinh tại ấp Đá Biên chứ không thể nhiều hơn được…”


MINH NGỌC

Thông tin liên quan:

>> Từ cõi chết trở về

Tin cùng chuyên mục