Khai thác đá làm ảnh hưởng cuộc sống người dân

Phản ánh đến Đường dây nóng Báo SGGP, bạn đọc cho biết, nhiều năm qua, cuộc sống của hàng chục hộ dân ở gần các mỏ khai thác đá dưới chân núi Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) bị đảo lộn vì ô nhiễm bụi, tiếng ồn, rung lắc nhà cửa xuất phát từ nạn nổ mìn phá đá.
Ông Phan Thanh Ân (thôn Làng Mới, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) dùng vật dụng che kín thùng để tránh bụi đá
Ông Phan Thanh Ân (thôn Làng Mới, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) dùng vật dụng che kín thùng để tránh bụi đá

Phóng viên Báo SGGP đã đến chân núi Hồng Lĩnh ghi nhận thực tế. Nơi này có nhiều mỏ đá khổng lồ đang khai thác nham nhở. Tiếng máy xay đá, tiếng xe tải chở đá ra vào mỏ ầm ầm cả một khu vực. Hai bên đường đi vào mỏ đá, nhiều nhà dân đóng kín cửa và dùng tấm lưới, phông bạt giăng trước nhà để hạn chế bụi. Cây xanh, cỏ dại bị bụi đá phủ bạc trắng.

Đang quét lớp bụi trong nhà, chị Phan Thị Tâm (42 tuổi, ở thôn Làng Mới, xã Vượng Lộc) than thở: “Nhà ở cách các mỏ đá khoảng 200-300m nên nhiều năm nay, cuộc sống của cả gia đình rất khổ sở vì bị đảo lộn. Tiếng mìn nổ, tiếng máy xay đá chạy đinh tai nhức óc. Xe tải chở đá chạy ầm ầm suốt ngày đêm, bụi đất đá phủ khắp. Lo lắng nhất là 2 con còn nhỏ, cứ mỗi lần mỏ đá nổ mìn là khóc thét. Chưa kể, do thường xuyên hít phải bụi nên sức khỏe bị ảnh hưởng, nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp”.

Chị Tâm cho biết, để hạn chế bụi đá bay vào nhà, phủ kín đồ đạc, gia đình phải đóng kín cửa gian nhà chính suốt ngày, đồng thời chuyển mọi sinh hoạt xuống gian nhà phụ. Giếng nước, đồ dùng, quần áo dù đã che đậy nhưng chỉ được thời gian ngắn là bụi đá lại phủ đầy. Bên cạnh đó, việc nổ mìn phá đá của các mỏ đá đã làm rung lắc, nứt tường nhà chị, gạch ốp tường bị bong nứt, rơi vỡ.

Cách nhà chị Tâm khoảng 150m, cuộc sống gia đình ông Phan Thanh Ân (77 tuổi) cũng hết sức khổ sở, đảo lộn các sinh hoạt do hoạt động của mỏ đá gây ra. Trước đây, khi các mỏ đá nổ mìn phá đá đã làm đá dăm văng vào sân vườn, mái nhà nên rất nguy hiểm đến tính mạng, làm hư hỏng tài sản. Vợ của ông từng bị đá rơi trúng đầu nhưng rất may có nón che đỡ nên chỉ bị thương nhẹ.

Hiện nay, mỏ đá sử dụng kỹ thuật nổ mìn âm sâu trong lòng mỏ đá, dù không còn đá dăm văng vào nhà dân nữa nhưng rung chấn vẫn làm nhà cửa rung lắc mạnh, nứt hỏng tường.

“Người dân đã rất nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành nhưng tình trạng này vẫn giảm không đáng kể”, ông Phan Thanh Ân bức xúc. Ông Ân kể, bụi đá phủ dày từng lớp trên mái nhà, đồ đạc trong gia đình và các bể chứa nước. Vì vậy, để có nước sử dụng cho sinh hoạt, ngoài việc che chắn kín bể nước, gia đình còn phải lọc nước nhiều lần mới sử dụng được. Quần áo giặt phơi thì bị bụi bám ố vàng.

“Ô nhiễm bụi, tiếng ồn từ các mỏ đá này đã làm cuộc sống của người dân nơi đây mất ăn mất ngủ. Lo lắng nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Người dân tha thiết mong nhà nước sớm đóng cửa các mỏ đá này, chuyển sang địa điểm khác để khai thác càng sớm càng tốt, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân. Người dân chịu đựng hết nổi rồi”, ông Phan Thanh Ân bức xúc.

Ông Nguyễn Minh Vỵ, Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc, cho biết, trên địa bàn có 5 mỏ đá. Trong đó, một mỏ đã hết thời hạn cấp giấy phép khai thác và tỉnh đang đình chỉ, chưa cho gia hạn; còn lại 4 mỏ đá đang hoạt động, mỏ đá sẽ hết hạn khai thác gần nhất là vào năm 2025 và xa nhất là vào năm 2030.

Mới đây, một doanh nghiệp khai thác đá bị Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh xử phạt hành chính trên 100 triệu đồng do vi phạm trong quá trình khai thác mỏ đá xây dựng tại khu vực núi Hồng Lĩnh. Trên địa bàn xã có 2 thôn Làng Mới và Hồng Lĩnh gần các mỏ đá, có khoảng 90-100 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bụi, tiếng ồn.

Thời gian qua, ngoài việc gửi văn bản kiến nghị, tại các hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, huyện cũng kiến nghị rằng khi hết thời hạn giấy phép khai thác thì tỉnh không gia hạn giấy phép.

Tin cùng chuyên mục