Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, áp dụng kinh nghiệm quốc tế

Ngày 26-10, tại TPHCM, Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL tổ chức Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng”.

Tham dự hội thảo có đại diện Bộ VH-TT-DL, Bộ TT-TT, một số cơ quan quản lý liên quan thuộc Bộ VH-TT-DL; các hiệp hội, hội, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (QTG QLQ); doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian trên không gian mạng; một số nhà xuất bản; các đơn vị sản xuất nội dung số; các công ty truyền thông, giải trí; các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình và tổ chức dịch vụ tư vấn, hành nghề luật sư về QTG QLQ.

Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng”

Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng”

Vẫn khó phối hợp xử lý

Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WEWE, cho biết, WEWE là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sách nói. Với hơn 2 triệu người dùng và hơn 2.000 nội dung âm thanh chất lượng cao, Voiz FM của WEWE đã tiên phong phát triển thị trường sách nói Việt Nam. Tuy nhiên, trong suốt hơn 4 năm qua, Voiz FM đã phải trực tiếp đối mặt với vấn đề vi phạm bản quyền tràn lan trên mạng Internet.

“3 hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở sách nói là USB sách nói/ link chia sẻ; kênh YouTube sách nói, website. Những hình thức vi phạm bản quyền này mọc lên như nấm sau mưa, gây nhiều tác động tiêu cực, thiệt hại trực tiếp cho các đơn vị xuất bản, ngân sách nhà nước và đặc biệt cho văn hóa đọc. Rất mong có sự phối hợp xử lý các hành vi vi phạm bản quyền sách nói trên các nền tảng trực tuyến, như YouTube, Facebook, các ứng dụng di động... Các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các nền tảng lớn để cắt quảng cáo đối với các nội dung vi phạm, tác động trực tiếp tới gốc rễ vấn đề thay vì chỉ báo cáo gỡ bỏ lẻ tẻ”, ông Lê Hoàng Thạch nêu.

Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WEWE, chia sẻ tại hội thảo

Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WEWE, chia sẻ tại hội thảo

Theo Luật sư Phạm Văn Anh - Trưởng phòng Pháp chế của Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Dịch vụ Sconnect Việt Nam, việc khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt về lĩnh vực bản quyền đối với các tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng cũng đang là thách thức lớn. Do đó, việc ứng dụng công nghệ số vào việc khai thác và bảo vệ bản quyền trên không gian mạng trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng và các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung đang vô cùng cần thiết.

Luật sư Phạm Văn Anh cho hay: “Hiện nay, việc phối hợp thực hiện của các nền tảng trung gian để xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện hiệu quả. Có trường hợp như với Google, việc liên hệ xử lý các hành vi vi phạm bản quyền tại Việt Nam rất khó khăn do Google không có trụ sở và người đại diện tại Việt Nam”.

Các công nghệ hỗ trợ bảo vệ bản quyền

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận xoay quanh các chuyên đề: các quy định pháp luật về QTG QLQ trên không gian mạng; thực trạng khai thác và bảo vệ bản quyền trên không gian mạng trong một số lĩnh vực như điện ảnh, xuất bản, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử; ứng dụng công nghệ số vào việc khai thác, bảo vệ bản quyền; kinh nghiệm quốc tế từ Tập đoàn Canal+, Tập đoàn Nagra, Ban tổ chức giải bóng đá Ngoại hạng Anh về việc xây dựng công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin số xâm phạm QTG QLQ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; các biện pháp xử lý xâm phạm bản quyền trên không gian mạng.

Bà Trần Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả phát biểu tại hội thảo

Bà Trần Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả phát biểu tại hội thảo

Ông Minkowski Simon, Trưởng phòng Bảo vệ bản quyền Tập đoàn Canal+, giới thiệu Công nghệ Canal+ tự động ngăn chặn các trang web vi phạm. Ông Minkowski Simon cho biết: “Ngăn chặn trực tuyến cần nhanh và hiệu quả, do đó công cụ tự động là cần thiết nhất. Đây là công cụ hiệu quả để các bên liên quan tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi của mình”.

Ông Tawfik Dabboui, Giám đốc dự án Tập đoàn Nagra, giới thiệu Hệ thống phân tích của NAGRA (LNA) kiểm tra các mạng lưới vận hành, xác định và đo lường lưu lượng truy cập các trang web lậu. Giải pháp của Nagra dựa trên Luật Sở hữu trí tuệ và các nghị định có liên quan. Theo đó, Nagra phụ trách rà soát các trang web lậu, cập nhật danh sách IPS và DNS; cung cấp danh sách đạt tiêu chuẩn; chặn và tiếp đó kiểm tra trình trạng chặn, đo lường tác động của việc chặn. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát các lệnh chặn (theo thời gian thực).

Các chuyên gia quốc tế tham dự Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng”

Các chuyên gia quốc tế tham dự Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng”

Đại diện quốc tế chia sẻ các giải pháp

Đại diện quốc tế chia sẻ các giải pháp

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho rằng, môi trường số đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của cơ quan quản lý, thực thi về QTG QLQ, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả thảo luận cùng các đại biểu

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả thảo luận cùng các đại biểu

“Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thì việc đẩy mạnh thực thi bản quyền trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta cần nhanh chóng thiết lập cơ chế tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin số xâm phạm QTG QLQ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật và nhân lực cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận hành hệ thống một cách hiệu quả”, ông Trần Hoàng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục