Vùng trà tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được hình thành gần 100 năm trước, trải qua những biến động của thời gian, nơi đây hiện vẫn còn duy trì hàng trăm ha trà, trong đó có nhiều diện tích trà cổ.
Cách trung tâm thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) 22km về hướng Đông Nam, có một vùng trà nổi tiếng từ năm 1927 với tên gọi ban đầu là Sở trà Cầu Đất L’Arbre Broyé.
Đồi trà Cầu Đất, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt
Đến năm 1931, Sở trà Cầu Đất đã trồng và khai thác trên 600ha, thời điểm này trà đen Cầu Đất chính thức được xuất khẩu sang Đức, Pháp và Hà Lan. Đây cũng được coi là thời kỳ hoàng kim của Sở trà.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, trên khu vực Sở trà Cầu Đất xưa hiện còn khoảng 200ha trà, trong đó có nhiều giống trà mới được trồng thay thế cho giống cũ năng suất thấp.
Đặc biệt, nơi đây vẫn còn bảo tồn được khoảng 3ha trà cổ trồng từ ngày thành lập vùng trà Cầu Đất, những gốc trà cổ thụ gần 100 tuổi có đường kính từ 20-40cm, tán lá rộng hơn 1 mét vẫn luôn được chăm sóc chu đáo và cho thu hoạch đều đặn.
Ngoài vai trò là nơi cung cấp nguyên liệu chế biến cho ngành trà, nơi đây còn là địa điểm tham quan thu hút nhiều du khách khi đến với Đà Lạt.
Báo SGGP Online giới thiệu chùm ảnh về vùng trà gần 100 năm tuổi ở Đà Lạt:
Vùng trà Cầu Đất nổi tiếng bởi những đồi chè xanh hút tầm mắt
Thu hoạch trà tại Cầu Đất
Những cánh trà xanh non vào buổi sáng sớm
Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, chụp ảnh
Trạm dừng chân dành cho du khách
Du khách vừa thưởng thức trà, cà phê vừa có thể phóng tầm mắt ra những đồi trà xanh xung quanh
Du khách tìm hiểu thông tin về vùng trà cổ Đà Lạt trên những tấm bảng hướng dẫn trên lối đi lên đồi trà
Gốc trà trong khu vực 3ha chè cổ trồng từ ngày thành lập vùng trà Cầu Đất