Khẩn trương xét nghiệm, cách ly ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở Đắk Lắk

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán; cách ly, điều trị trường hợp nghi ngờ; lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế...

Ngày 3-11, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán; cách ly, điều trị trường hợp nghi ngờ; lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị. Khẩn trương thực hiện điều tra các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ trong quá trình đi du lịch ở nước ngoài và tại Việt Nam; tổ chức quản lý, theo dõi sức khỏe và xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có), không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; sẵn sàng thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế.

Khẩn trương xét nghiệm, cách ly ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở Đắk Lắk ảnh 1 Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 2-11 tại tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 1 bệnh nhân là nam (59 tuổi, ở huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) nghi nhiễm đậu mùa khỉ.

Bệnh nhân cho biết, ngày 19-10, bệnh nhân đi máy bay từ Việt Nam sang Nam Phi để du lịch. Trong thời gian du lịch, bệnh nhân đi nhiều nơi và tiếp xúc, nói chuyện, bắt tay với nhiều người. Ngày 26-10, bệnh nhân đi máy bay về sân bay Nội Bài, sau đó đi máy bay về tỉnh Đắk Lắk.

Từ ngày 26-10 đến ngày 1-11, bệnh nhân có tiếp xúc với mọi người trong gia đình và người xung quanh. Đến ngày 1-11, bệnh nhân có biểu hiện đau mỏi các khớp và xuất hiện nhiều nốt mụn đỏ ở bụng và lưng, bệnh nhân đã thực hiện khai báo y tế và tự cách ly tại nhà.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, như: che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Tin cùng chuyên mục