Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 9-3, Tạp chí Cộng sản và Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học “Góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Tham dự có các đại biểu Quốc hội TPHCM, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng nhiều cán bộ giảng dạy các trường đại học trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Tọa đàm đã nhận được hơn 50 tham luận gửi đến cùng nhiều ý kiến góp ý trực tiếp, không né tránh ngay cả những điều khoản cốt lõi của Hiến pháp với mong muốn Hiến pháp hoàn thiện hơn.

(SGGP).- Ngày 9-3, Tạp chí Cộng sản và Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học “Góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Tham dự có các đại biểu Quốc hội TPHCM, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng nhiều cán bộ giảng dạy các trường đại học trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Tọa đàm đã nhận được hơn 50 tham luận gửi đến cùng nhiều ý kiến góp ý trực tiếp, không né tránh ngay cả những điều khoản cốt lõi của Hiến pháp với mong muốn Hiến pháp hoàn thiện hơn.

Nhiều ý kiến khẳng định, Hiến pháp là bộ luật cơ bản của quốc gia nên đòi hỏi phải khái quát cao và sử dụng các từ ngữ, khái niệm chính xác, cụ thể và chặt chẽ đến mức cao nhất - để tránh sự vận dụng tùy tiện. Tuy nhiên, có nhiều từ ngữ diễn giải cần được bổ sung hoặc cắt bớt để hoàn thiện, nâng cao chất lượng của dự thảo. Các ý kiến xoay quanh nội dung về thể chế nhà nước, vai trò chức năng, nhiệm vụ của quân đội nhân dân Việt Nam, công an nhân dân Việt Nam; về các thành phần kinh tế, vai trò của các thành phần kinh tế, chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương… Trong đó, Điều 4 của dự thảo về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với nhà nước và xã hội đã được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến.

TS Nguyễn Chơn Trung khẳng định tính đúng đắn của Điều 4 Hiến pháp và có bổ sung như Dự thảo Hiến pháp 1992, duy trì chế độ một đảng. TS Nguyễn Chơn Trung nhấn mạnh: “Hơn cả thế kỷ nay, lịch sử đã giao cho Bác Hồ và Đảng ta lãnh đạo dân tộc chứ không có đảng nào khác kiên cường vượt qua nhiều phong ba bão táp đương đầu với mọi kẻ thù, chịu đựng biết bao gian khổ hy sinh. Đã có hàng triệu đảng viên ngã xuống trên khắp chiến trường và trong lao tù mới có nước Việt Nam hòa bình độc lập thống nhất cùng hơn 25 năm đổi mới đất nước như hôm nay.

Trong lịch sử đã chứng minh không có đảng nào đã xả thân quên mình làm nên thành tựu vĩ đại như vậy. Từ đó ta khẳng định không có đảng nào thay thế Đảng CSVN hiện nay, dù Đảng ta vẫn còn khuyết điểm cần phải sửa chữa để làm tốt hơn vai trò của mình”. Đồng quan điểm, TS Hoàng Văn Lễ cho rằng, việc có ý kiến bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng là không thực tế, thiếu hiểu biết về lịch sử Việt Nam đương đại. Những điểm mới của riêng Điều 4 đã nêu rõ quan điểm của Đảng và những yêu cầu chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn cách mạng mới như Cương lĩnh Đảng 2011 đã xác lập.  “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” - TS Hoàng Văn Lễ đề nghị.

Cùng ngày tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) đã tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. 

Các đại biểu, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu trực thuộc VASS đã có nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập trung vào các mục: lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, các quy định về an ninh quốc phòng, về xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường, các quy định về sở hữu đất đai, dân tộc, tôn giáo. 

Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu nhất trí việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất cần thiết để phù hợp với tình hình đất nước và xu thế phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, một số điều khoản cần được làm rõ hoặc cân nhắc kỹ hơn về cách viết, cách diễn giải để bản Hiến pháp được chặt chẽ và khoa học hơn. 

Đóng góp vào chương I về chế độ chính trị, PGS-TS Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, cho rằng, với vai trò làm nền tảng cho các quy định ở các chương tiếp theo của Hiến pháp, có vị trí xuyên suốt, chi phối toàn bộ bản Hiến pháp, bởi vậy không nên lấy tên là “Chế độ chính trị” mà cần sửa thành “Những nguyên tắc chung” hoặc “Những quy định chung”. Ngoài ra, cần bổ sung một điều nói về mục đích, vai trò và giá trị của Hiến pháp, phương thức thực hiện, hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp và trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước trong việc thực hiện Hiến pháp. 

Nói về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong dự thảo Hiến pháp, các đại biểu đều nhất trí việc nội dung này được chuyển từ chương V lên chương II là hết sức hợp lý, thể hiện được kết cấu logic của một bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ, đồng thời thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao các giá trị của quyền con người. 

Ths. Nguyễn Linh Giang, Viện Nhà nước và Pháp luật, nêu ý kiến: Chương II đã thể hiện được gần như toàn bộ các quyền cơ bản và phổ biến của con người đã được ghi nhận trong các bản Tuyên ngôn, Hiến pháp, Công ước quốc tế về quyền con người trên thế giới. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn thiếu một số quyền dành cho một số đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người khuyết tật... 

GS-TS Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch VASS, cho biết: Để thực hiện tốt việc tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học, cán bộ công nhân viên, viện đã thành lập Ban thư ký phục vụ công tác thu thập, tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Hiến pháp. Các đơn vị trực thuộc VASS cũng được giao nhiệm vụ lên kế hoạch triển khai quán triệt cụ thể việc đóng góp ý kiến cho Hiến pháp. Đến nay, đã có 30/42 cơ quan trực thuộc nộp báo cáo góp ý bằng văn bản tới Ban thư ký. Ngay sau hội thảo này, VASS sẽ tổ chức thêm 4 cuộc tọa đàm chuyên sâu về các nội dung của Hiến pháp, từ đó tập hợp đầy đủ các ý kiến và chuyển tới Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục