
Mỗi năm, Việt Nam (VN) xuất khẩu 300- 400 triệu USD hàng quà tặng thủ công mỹ nghệ. Đó là chưa kể lượng lớn hàng quà tặng xuất khẩu tại chỗ qua con đường du lịch mua sắm của du khách quốc tế đến VN. Vậy nhưng, khan hiếm mẫu mã mới vẫn là nỗi lo của các nhà sản xuất để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
- “Khát” mẫu mới

Xuất khẩu tại chỗ hàng quà tặng là một lợi thế của Việt Nam. Ảnh: T.L.
Giám đốc Miss Áo Dài, một công ty chuyên cung ứng hàng quà tặng cho thị trường Nhật nói rằng, năm nào chị cũng phải xách cặp đi khảo sát thị trường hàng quà tặng Thái Lan vài lần, chỉ có điều những chuyến đi này không phải để tìm kiếm khách hàng, mà là để… “tầm” mẫu mới. Mang những mẫu mã mới này về, thiết kế lại theo “gu” VN, vậy là có ngay mẫu mã riêng của shop chị. Đây cũng là cách tầm mẫu mới nhanh nhất của nhiều doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng quà tặng ở TPHCM.
Cách thức này đáp ứng được nhu cầu: cần thay đổi liên tục mẫu mới, có mẫu độc quyền, bắt kịp những xu hướng thiết kế đang bán chạy, và đặc biệt là chi phí thấp nhất mà nhanh nhất! Không riêng gì VN, ngay các doanh nhân “ngoại” đến VN đi tour mua sắm, cũng rất siêng ghé các shop hàng quà tặng của VN để sưu tập mẫu mới theo cách này. Do vậy, tuổi đời của những mẫu hàng quà tặng mới không dài, bởi sau đó là bị nhái, bị cạnh tranh với giá rẻ hơn. Do nhu cầu phải thay đổi mẫu mã liên tục, nhà sản xuất nào cũng “khát” mẫu mã mới!
Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ (Hawa), ông Trần Quốc Mạnh thừa nhận, các mẫu hàng quà tặng chào đối tác nước ngoài của doanh nghiệp VN cứ na ná nhau, thiết kế gần giống hàng Trung Quốc (TQ), Thái Lan, thiếu nét riêng của VN như: bàn ghế đời Minh, đời Lý, các kiểu đèn mỹ nghệ chạm khắc rồng, hoa văn cổ, các vật dụng bằng mây tre lá… Chúng ta đang thiếu trầm trọng những mẫu thiết kế xu hướng hiện đại mang dáng dấp VN! Một lo lắng khác, lâu nay sản xuất theo truyền thống, sử dụng các loại gỗ nhóm quý, mà gỗ quý ngày càng hiếm, giá thành lại cao, khó cạnh tranh. Mặc dù mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu hàng quà tặng của VN dao động từ 300 đến 400 triệu USD, cộng thêm doanh thu từ xuất khẩu tại chỗ cho du khách không dưới 10 triệu USD hàng năm, nhưng dòng chảy của hàng quà tặng VN ra thế giới vẫn chỉ là những con số rất nhỏ.
Thử hình dung, mỗi năm thị trường Mỹ nhập 55 tỷ USD hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng hàng VN chỉ chiếm 1%. Thị trường EU tiêu thụ mỗi tháng khoảng hơn 50 triệu USD hàng quà tặng, nhưng hàng VN chỉ chiếm khoảng 20%-30%. Giám đốc một công ty của kiều bào tại Berlin (Đức) cho biết, dù rất muốn ủng hộ hàng trong nước, nhưng anh chỉ nhập từ VN những mẫu tàu, thuyền gỗ, một vài kiểu dáng nặng về chạm trổ, điêu khắc chi tiết, còn lại là nhập từ TQ. Tại sao vậy? Do hàng TQ sản xuất hàng loạt, ít chi tiết thủ công, nên giá rất cạnh tranh. Gần như mẫu hàng nào của VN có thì vài tháng sau TQ cũng có mà giá lại rẻ hơn.
- Làm sao phát triển ngành thiết kế mẫu quà tặng?
Một cuộc khảo sát bỏ túi của Sở Du lịch TPHCM mới đây cho thấy, ngay đến các du khách Nhật – những khách hàng rất mê hàng mỹ nghệ VN cũng than phiền rằng: hàng quà tặng, mỹ nghệ VN rẻ thật nhưng mẫu mã chậm thay đổi và nghèo nàn! Bức xúc trước nhu cầu này, ngành du lịch đã phối hợp Hawa tổ chức một cuộc thi rộng rãi về thiết kế mẫu hàng quà tặng. Ngay tại lễ phát giải, người vui nhất không phải là các thí sinh, mà là các DN làm hàng xuất khẩu! Có không dưới 5/10 mẫu được trao giải đã được các DN “mua đứt” bản quyền để sản xuất chào hàng đối tác.
Giám đốc Công ty Sadaco không ngần ngại tuyên bố, đây là những mẫu thiết kế rất ấn tượng, bởi những nhà thiết kế trẻ (không ít người còn ngồi trên ghế đại học) đã tạo ra những mẫu thiết kế rất hiện đại, sắc màu mạnh mẽ mà cũng rất VN! Cuộc thi này còn mở ra cho ngành thủ công mỹ nghệ VN một hướng sản xuất mới, đó là có thể sử dụng những nguyên liệu mới dễ tìm kiếm và rẻ đến không ngờ như vỏ trứng, đèn vải, cỏ lau khô, giấy bồi, tre nứa… để giảm giá thành mà lại có nét độc đáo riêng.
Vấn đề là làm sao để những cuộc thi như thế này xuất hiện đều đặn hàng năm, nhằm khuyến khích hình thành một đội ngũ nhà tạo mẫu trẻ, chuyên nghiệp cho ngành hàng quà tặng. Tại sao kim ngạch xuất khẩu đã lên đến 400 triệu USD/năm, DN “khát” mẫu mã mới, mà một đội ngũ thiết kế mẫu chuyên nghiệp chưa hình thành? Hơn 1.500 DN sản xuất hàng mỹ nghệ ở TPHCM và các vùng phụ cận liệu có “nuôi” được đội ngũ này? Thật ra, đây không phải là bài toán khó nếu như Hawa phát huy được vai trò của một hội ngành nghề, và tự thân các nhà sản xuất tạo được mối liên kết để hướng tới cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu thế giới, thay cho tập quán sản xuất cạnh tranh nhỏ lẻ như hiện nay.
Nước láng giềng Thái Lan đã hình thành một chợ bán sỉ hàng mỹ nghệ lớn nhất ASEAN bằng chính sách hỗ trợ độc đáo: không thu thuế và chỉ đóng một mức phí tượng trưng khi các nhà sản xuất trực tiếp mở gian hàng ở chợ. Chợ chỉ họp vào ngày cuối tuần và là điểm hẹn giao dịch chào hàng mới, thương lượng giá xuất khẩu cho các làng nghề, các nhà sản xuất Thái. Các nhà sản xuất, các HTX, làng nghề VN cũng đang rất mong chờ một sự hỗ trợ như thế từ phía Chính phủ.
THU THỦY