“Khế ngọt”, đua nhau hái

Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) là tiền đóng góp của người dân nhằm bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội ổn định và công bằng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, rất đáng báo động khi Quỹ BHYT đang bị không ít cá nhân và tập thể xem là “chùm khế ngọt” để đua nhau bòn rút, trục lợi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước cũng như sự ổn định và bền vững của Quỹ BHYT.
Thống kê mới nhất của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017 đã có gần 47 triệu hồ sơ BHYT đề nghị thanh toán hơn 17.000 tỷ đồng, song hệ thống giám định đã phát hiện trên 10% hồ sơ có vi phạm, làm sai mức hưởng, đề nghị thanh toán trùng lặp, chỉ định thuốc và vật tư y tế ngoài danh mục. Do đó, BHXH Việt Nam đã từ chối thanh toán với số tiền lên tới gần 3.000 tỷ đồng. 
Nghiêm trọng hơn, việc trục lợi BHYT diễn ra ngày càng trắng trợn và phức tạp, thậm chí còn hình thành “nghề đi khám BHYT”. Từ đầu năm 2017 tới nay, BHXH Việt Nam phát hiện gần 3.000 trường hợp có thẻ BHYT đi khám bệnh từ 50 lần trở lên, với hơn 160.000 lượt khám, trong đó người khám nhiều nhất là 123 lần, kể cả ngày nghỉ, lễ, tết.
Ngoài ra, còn có tới 195 trường hợp thường xuyên đến khám tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, với số tiền trên 7,7 tỷ đồng. Qua hệ thống giám định, BHYT làm rõ không ít trường hợp như: bà Mã Bửu N. (ở TPHCM) khám 57 lần tại 13 cơ sở y tế, tổng chi phí gần 40 triệu đồng; ông Nguyễn Văn N. (ở Sóc Trăng) đã khám bệnh, sử dụng điện châm và chiếu hồng ngoại 95 ngày tại Trạm y tế xã Long Hưng; bà Trần Thị S. (ở Sóc Trăng) khám 114 lần, liên tục ngày nào cũng điện châm; ông Nguyễn Văn H. (hưu trí) đã đi khám 58 lần tại 15 cơ sở y tế với tổng số thuốc được nhận hơn 300 viên Aprovel và Procaralan...
Còn rất nhiều “khách hàng” khác của BHYT mà gần như ngày nào cũng tới cơ sở khám chữa bệnh để được khám bệnh và lấy thuốc dù chẳng ốm đau, bệnh tật gì.
Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, đã bày tỏ sự bức xúc khi ví von: “Nếu bệnh nhân dùng hết số thuốc tới hàng trăm viên mà vẫn sống thì có thể trở thành sự kiện lớn của ngành y tế...”.
Tệ hơn, không chỉ nhiều người có thẻ BHYT lợi dụng, bòn rút Quỹ BHYT mà ngay cả cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám cũng dùng đủ mọi chiêu trò để “moi gan, rút ruột” Quỹ BHYT. Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT, cho biết tại nhiều bệnh viện đã có hiện tượng “chia nhỏ” bệnh nhân để chi dịch vụ thanh toán với BHYT.
Ví dụ, trên 1 phim chụp cẳng chân nhìn rõ xương cổ chân, xương khớp gối, xương cẳng chân, xương gót, nhưng nhiều bệnh viện đã yêu cầu BHXH thanh toán 3 dịch vụ khác nhau: chụp gót chân, chụp cổ chân, chụp xương cẳng chân. Hay lại có chuyện “phi thường” khi một bác sĩ tại bệnh viện khám tới 180 bệnh nhân/ngày và thực hiện  hơn 150 lượt nội soi tai mũi họng, gấp 4 - 5 lần so quy định của Bộ Y tế là một bác sĩ chỉ được khám 35 bệnh nhân/ngày/bàn khám. Thậm chí có những bệnh nhân phẫu thuật thay thủy tinh thể đơn thuần chỉ cần nằm viện một ngày nhưng lại được bệnh viện “ưu ái” cho ở viện cả tuần lễ.
Có nhiều nguyên do khiến cho tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT ngày càng gia tăng phức tạp, trong đó một trong nguyên nhân chính là đến nay chưa có cá nhân, tổ chức nào bị xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự vì lạm dụng Quỹ BHYT. Vì vậy, cùng với việc tăng cường các cơ chế kiểm soát, BHXH Việt Nam cần phối hợp với cơ quan công an tiến hành rà soát các cơ sở cố tình trục lợi BHYT để ngăn chặn, từ chối ký hợp đồng thanh toán BHYT, thậm chí cần phải đề nghị truy tố hình sự đối với những cá nhân, tập thể vi phạm nghiêm trọng để xử lý, răn đe.

Tin cùng chuyên mục