Khi Covid-19 vào nhà

“Thông báo và khai báo”; điện thoại liên tiếp kêu réo; tới tấp thư điện tử phải trả lời - đó là tình cảnh của tôi trong tuần qua khi có người nhà mắc Covid-19.

Đợt bùng dịch lần thứ 3 ở châu Âu cho cảm giác Covid-19 đang gõ cửa vào nhà. Bây giờ “nó” vào thật rồi. Chồng tôi có cảm giác mệt mỏi và chủ động vào phòng cách ly dù chưa có kết quả xét nghiệm RT-PCR chính thức. Bốn mẹ con tuy không có triệu chứng gì, vẫn lo. Chiều muộn, tôi đạp xe ra hiệu thuốc, nhân viên đã khóa cửa chuẩn bị về. “Có cấp thiết không cô?”. “Tôi cần mua test nhanh Covid-19 tại nhà”. Dược sĩ này lập tức quay lại quầy.

Bốn mẹ con xét nghiệm nhanh, đều âm tính. Tôi vẫn chủ động cho con nghỉ học ngày hôm sau để chờ kết quả xét nghiệm chính thức của bố. Vừa gửi mail xin cho con nghỉ học thì điện thoại nhận tin tổng đài 8811 (chuyên điều tra các tiếp xúc của người mắc Covid-19) rằng chuẩn bị có người của tổng đài gọi cho tôi. Bỗng lo đến quặn ruột gan, vì nhận tin 8811 sẽ kèm nhận mã để đi xét nghiệm RT-PCR vì thuộc diện tiếp xúc rủi ro cao với người mắc Covid-19. Vài phút sau, chồng tôi từ phòng ngủ gửi tin nhắn vào điện thoại cho tôi: dương tính. 

Chưa kịp nghĩ chăm sóc nhau ra sao, tôi đã phải viết loạt thư gửi trường học, trung tâm dạy thêm, thư viện, câu lạc bộ bóng chuyền... nơi mẹ và con cần phải thông báo vì ngay lập tức bị cấm túc 10 ngày không được ra ngoài. Cứ cách nửa tiếng, nhân viên 8811 thay nhau gọi hỏi riêng về tình trạng của mẹ, từng đứa con: sống vùng nào, số nhà bao nhiêu, ngày tháng năm sinh, triệu chứng, chồng đã cách ly chưa, cách ly thế nào, chích vaccine chưa, con học trường nào, cô làm ở đâu, đã đi những đâu... 

Ngay hôm đó, tôi phải lên mạng đăng ký lịch xét nghiệm RT-PCR cho mấy mẹ con. Đến nơi, chỉ hai người có mã để xét nghiệm. Phòng xét nghiệm nằm trong khu thể thao rộng, khá vắng vẻ, nhân viên trực nói: “Chúng tôi chỉ xét nghiệm cho hai cô con gái vì đã có mã. Mẹ và con trai phải chờ bác sĩ gia đình làm mã gửi đến mới được xét nghiệm. Trung tâm cũng sắp đóng cửa”.

Gọi bác sĩ gia đình thì báo bận, không làm mã được, tôi cáu: “Chẳng lẽ hai mẹ con tôi phải chờ hôm sau hoặc chạy sang trung tâm khác, như thế không khoa học và tạo điều kiện cho virus lây lan”. Mười lăm phút sau mới tìm được cách mở mã, xét nghiệm nốt cho hai mẹ con. 

Sáng ngày tiếp theo, chưa nhận kết quả đã thấy tin nhắn 8811. Xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính với 3 người, còn con trai tôi nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tôi lại điện thoại và gửi thư đi các nơi. Chỉ một tiếng sau, câu lạc bộ bóng chuyền của con tôi thông báo hủy tập luyện cả đội trong vòng 2 tuần. Lớp của con trai tôi vẫn đi học bình thường nhưng không được tham gia ngoại khóa, không gặp ông bà cao tuổi và người có bệnh nền, nếu có triệu chứng phải xét nghiệm. 

Cảm giác làm phiền cuộc sống của bao người trùm lên tôi, dù còn chưa biết chồng con những ngày tới bệnh tình biến chuyển thế nào. Chị Trúc Loan, một điều dưỡng viên từng mắc Covid-19, mua trái cây mang đến tặng chồng và con trai tôi. Các bạn gốc Việt gần nhà đi chợ giúp. Bố mẹ bạn thân của con trai tôi, người mang súp đặt trên bệ cửa, người nhắn tin hỏi có cần giúp gì không... Cũng được an ủi phần nào và ấm lòng về tình người dành cho nhau lúc khó khăn.

Tin cùng chuyên mục