Khi ngân hàng lãi “khủng”

Báo cáo lợi nhuận quý 1-2021 của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã hé lộ mức lãi “khủng” của các doanh nghiệp ngân hàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu này tăng mạnh thời gian qua, góp phần đưa VN-Index trên thị trường chứng khoán lập đỉnh mới trong lịch sử.
Lợi nhuận khả quan khiến cổ phiếu ngân hàng thời gian qua tăng mạnh. Ảnh: HUY PHAN
Lợi nhuận khả quan khiến cổ phiếu ngân hàng thời gian qua tăng mạnh. Ảnh: HUY PHAN

Nợ xấu giảm

Báo cáo lợi nhuận của các NHTM trong quý 1-2021 đều đạt mốc vài ngàn tỷ đồng. Cụ thể, HDBank vừa công bố ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1 vượt 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lãi thu từ dịch vụ có quý thứ ba liên tiếp cao gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tính đến 31-3-2021, tăng trưởng tín dụng ngân hàng này tăng 5,2% so với 31-12-2020.

MBBank cũng cho biết, lợi nhuận của ngân hàng ước đạt trên 4.570 tỷ đồng, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 1,46% hồi đầu năm xuống còn 1,14%.

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vào đầu tháng 4, lãnh đạo ACB cho biết, ước lợi nhuận quý 1 đạt 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61%. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, lãnh đạo MSB thông tin, tổng doanh thu thuần quý 1 của MSB là hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2020, dẫn đến lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.200 tỷ đồng, cao hơn 315% so với cùng kỳ…

Riêng khối NHTM quốc doanh, mặc dù chưa tổ chức ĐHĐCĐ nhưng lãnh đạo Vietcombank cho biết lợi nhuận trước thuế trong quí 1 ước đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng 28% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm là 25.200 tỷ đồng. Với lợi nhuận quý 1 khả quan, mục tiêu đạt lợi nhuận đặt ra của ngân hàng này trong năm 2021 là trong tầm tay. Trên thực tế, Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng cao nhất trong số ngân hàng có vốn nhà nước với mức 10,5% (các ngân hàng khác chỉ ở mức 6%-7,5%). Nhiều chuyên gia cho rằng, VietinBank có thể cán đích lợi nhuận 1 tỷ USD trong năm 2021 nhờ vào sự dịch chuyển kênh bán lẻ và giảm gánh nặng nợ xấu.

Trong báo cáo mới đây của Khối nghiên cứu công ty chứng khoán SSI (SSI Research), ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1-2021 của nhóm ngân hàng niêm yết sẽ tăng từ 55%-65% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các NHTM quốc doanh có khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng khoảng 75%-85%, các NHTM cổ phần dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45%-55%. Lý do tăng trưởng cao trong quý là nhờ các ngân hàng duy trì tỷ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện. Thêm nữa, hầu hết các ngân hàng đã đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng trích lập dự phòng nợ xấu trong quý 4-2020.

Kỳ vọng của nhà đầu tư về bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng là lý do khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng như CTG, VCB, ACB, MSB… trong quý 1 đã tăng từ 40%-50%.

Lợi nhuận ngân hàng khả quan khiến cổ phiếu ngân hàng thời gian qua tăng mạnh. Ảnh: HUY PHAN

Lạc quan năm 2021

Theo Công ty Chứng khoán SSI, hiện biên lãi ròng của ngân hàng cao kỷ lục. Lãi suất tiết kiệm trong năm 2020 đã giảm từ 2,25%/năm và trong quý 1-2021, một số ngân hàng đã tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 0,1%-0,4%. Việc giảm này tập trung vào các kỳ hạn ngắn. Hiện hầu hết ngân hàng đều giữ lãi suất tiền gửi ở mức 3%-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,5%-5,5%/năm kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,6%-6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Dù lãi suất tiền gửi giảm sâu xuống mức thấp chưa từng có nhưng việc huy động vốn của các NHTM vẫn rất khả quan. Chênh lệch tiền gửi - cho vay từ đầu năm 2020 đến nay giãn khá rộng. Do đó, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các NHTM đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4% so với thông thường chỉ ở mức 3,5%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng tăng.

Với kết quả kinh doanh quý 1-2021 lạc quan, nhiều NHTM tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng cao và tự tin sẽ hoàn thành tốt kế hoạch lợi nhuận. Theo đánh giá về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 của Công ty cổ phần FinnGroup - chuyên nghiên cứu về tài chính - ngân hàng, dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của 12 NHTM niêm yết sẽ ở mức 18,2% (cao hơn năm 2020 là 14,9%). Trong đó, các ngân hàng được dự báo có lợi nhuận tăng mạnh thuộc về nhóm NHTM quốc doanh như: Vietcombank (14,9%), BIDV (41,3%) và VietinBank (41,9%). “Triển vọng tích cực này đến từ cả hoạt động tín dụng và về doanh thu dịch vụ, trong đó đặc biệt là thu nhập bán chéo bảo hiểm (bancasurance) của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, ACB, MSB và HDBank”, đại diện Công ty FinnGroup nhận định.

Thêm vào đó, đại diện Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020 về tái cơ cấu, miễn, giảm giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó có bổ sung quy định phân bổ dự phòng nợ xấu dần trong 3 năm, cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, đặc biệt trong năm 2021. Với mức lợi nhuận của các ngân hàng được đánh giá rất khả quan nên cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ là một trong những dòng cổ phiếu tiềm năng nhất thị trường chứng khoán trong năm 2021..

NHUNG NGUYỄN
--------------

Nên có sự chia sẻ


Ngân hàng kinh doanh tốt, lãi nhiều sẽ nộp thuế nhiều cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp (DN), ngành ngân hàng cũng nên có sự chia sẻ với những khó khăn hiện nay của DN.

* Ông LÊ NHUNG, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt: Khó tiếp cận gói vay ưu đãi

DN đang vay phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất 9%/năm, nhưng phải chịu điều chỉnh lãi suất từng năm. Trước thời điểm dịch Covid-19, hoạt động sản xuất của DN ổn định với mức doanh thu trung bình mỗi tháng đạt xấp xỉ 1 triệu USD. Khi dịch bệnh xảy ra, doanh thu của DN rớt xuống chỉ còn chưa tới 100.000 USD/tháng, chưa kể DN còn bị đối tác nước ngoài nợ gần 1 triệu USD. Vài tuần nay, số lượng đơn hàng mà DN nhận được đã tăng đáng kể, nhưng giá nguyên phụ liệu lại tăng gấp 1,5 lần so với trước dịch, làm cho DN gặp nhiều khó khăn. Cái khó nhất là ngân hàng biết DN gặp khó cũng tìm cách né tránh, siết hồ sơ cho vay.

Vẫn biết, ngân hàng có lý do riêng nhưng nếu xét đến quá trình hợp tác lâu dài cũng như lịch sử giao dịch tốt của DN, ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ phù hợp cho những DN để họ cầm cự qua dịch bệnh. Trước đó, các DN trong ngành may mặc đã kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đề nghị có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN với nội dung: cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giảm phí, cho vay mới với lãi suất thấp để phục hồi sản xuất kinh doanh… Sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách cụ thể, nhưng DN chỉ nghe thông tin trên truyền thông chứ chưa thực sự được tiếp cận và được hưởng ưu đãi này. Ngân hàng cho DN vay cũng không nhắc gì đến việc hỗ trợ DN.

* Ông PHẠM VĂN BĂNG, Tổng Giám đốc điều hành Công ty AHGB (chuyên về thương mại dịch vụ, nguyên phụ liệu ngành dệt may): Mong giảm lãi suất

Việc tiếp cận các gói vay ưu đãi từ ngân hàng là điều xa xỉ. Vừa qua, DN đã vay tín chấp với lãi suất khoảng 22%/năm (bảo lãnh cho cá nhân vay) và thế chấp khoảng 11%/năm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để vay ngân hàng thời điểm này không dễ, do hồ sơ vay được kiểm duyệt kỹ để tránh nợ xấu. Thực ra, nhóm DN nhỏ và vừa đang sống lay lắt. Bằng chứng là chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021 có tới 33.600 DN trên cả nước tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể. Hàng loạt DN, bạn bè thân quen mà chúng tôi biết ngay tại TPHCM này cũng phải “buông tay” sớm vì không thể duy trì hoạt động. Về phía Công ty AHGB, DN đang nỗ lực bám trụ thị trường, tạm thích nghi với việc kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới, để chờ dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn trên toàn thế giới. Tuy vậy, đây cũng là giai đoạn cực kỳ khó khăn, buông thì dễ nhưng gầy dựng lại công việc, thương hiệu không đơn giản. Điều cần kíp nhất lúc này chính là các gói hỗ trợ kéo giảm lãi suất cho vay để DN tiếp tục cầm cự.

* Ông TRẦM QUỐC THẮNG, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (TPHCM): Cần có chính sách linh hoạt

Hiện nay, lãi suất cho vay trên thị trường dao động từ 6%- 8,5% tùy ngân hàng và tùy thời gian vay. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có lãi suất cho vay thấp so với các ngân hàng thương mại khác nhưng lại thẩm định tài sản khắt khe. Các ngân hàng thương mại thẩm định hồ sơ cho vay dễ nhưng lại đưa lãi suất cao.

Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ở nhiều nước chỉ 2%-4%. So sánh với các nước này thì lãi suất cho vay ở Việt Nam cao. Nếu không có sự điều chỉnh hợp lý thì DN Việt Nam sẽ giảm khả năng cạnh tranh so với các DN nước khác.
THI HỒNG - THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục