Khi người dân xin “thôi nghèo”

Là hộ nghèo sẽ được chính quyền, đoàn thể, mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ nhiều mặt. Nhưng trái với một số hộ “thích nghèo”, xin “được nghèo”, ở xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè, TPHCM) lại có những bà con đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo “để dành phần chăm lo cho những người khó hơn mình”.
Bà Nguyễn Thị Sâm bên xe hàng chuẩn bị đi bán buổi chiều (căn nhà tình thương được xây tặng năm 2017)
Bà Nguyễn Thị Sâm bên xe hàng chuẩn bị đi bán buổi chiều (căn nhà tình thương được xây tặng năm 2017)

Chén cơm mình làm ra ăn ngon hơn

Đẩy bộ chiếc xe ve chai về nhà, bà Nguyễn Thị Sâm (58 tuổi, ngụ ấp 4 xã Phú Xuân) ăn bữa cơm trưa, ngả lưng một chút rồi chuẩn bị đẩy chiếc xe bánh tráng, đồ chơi trẻ em đi bán buổi chiều. Bán tới 10, 11 giờ khuya, rồi sáng hôm sau 7 giờ lại lên đường rong ruổi mua ve chai. Đôi bàn tay chai cứng, sần lên dấu vết của mưu sinh cực nhọc. “Cái tính tui ngồi không không chịu được”, bà Sâm cười như thanh minh trong ngôi nhà tình thương mát rượi khang trang.

Quê Nghệ An, bà Sâm vào TPHCM làm công nhân xí nghiệp may, làm mãi mà chẳng dư được. Bà làm đủ thứ nghề, có thời gian còn đi làm phụ hồ ở các công trình xây dựng. Năm 2016, bà được đưa vào diện hộ nghèo. Năm 2017, bà được xây tặng nhà tình thương. Năm 2019, bà tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, dù vẫn đang nợ ngân hàng chính sách xã hội mấy chục triệu đồng.

Trưởng ấp 4 Mai Đình Cương nhận xét, bà Sâm tự mình vươn lên không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ từ chính quyền. Thấy được điều này nên cán bộ ấp tin tưởng và mạnh dạn đề xuất với xã hỗ trợ. Còn bà Sâm chia sẻ, mình bí quá mới nhờ đến nhà nước. Giờ chưa giàu có gì nhưng tự lo được rồi thì phải tự lo, bởi “chén cơm mình làm ra ăn ngon hơn, cơm người cho đâu ăn hoài được”.

Bà Sâm không phải là hộ duy nhất ở xã Phú Xuân viết đơn xin “thôi nghèo”. Ở ấp 5, năm 2017, bà Nguyễn Thị Bạch Vân đã làm điều tương tự. Hôn nhân đổ vỡ, bà Vân mang con về quê cất chiếc chòi lá ở, rồi đi may gia công cho mấy nhà ngoài xóm. Nhưng rồi kinh tế khó khăn, người may không có việc, con đi học mỗi lúc một tốn kém, bà nghĩ đến chuyện phải cho con nghỉ học. Đúng lúc đó thì bà được xét công nhận hộ nghèo. Con trai được miễn giảm học phí, được học bổng. Quà tết, quà thăm hỏi cũng giúp hai mẹ con sống ổn được mấy năm. Đến khi cậu con trai đi nghĩa vụ về, xin được vào làm công nhân trong một công ty của Nhật, bà viết đơn xin ra khỏi diện nghèo. Bà Vân chia sẻ, bà vẫn còn làm được 1-2 triệu đồng mỗi tháng tự nuôi thân, con cũng ổn rồi. Bà nghĩ: “Mình tự lo được thân mình rồi mà cứ nhận lòng tốt của người hoài thì đâu có được, phải tội lắm”.

Thoát nghèo bền vững

Nhìn bà Sâm vui cười rạng rỡ trong căn nhà mơ ước như vậy, ít ai biết chuyện bà vừa “thoát chết ngoạn mục” khỏi cái bẫy của tín dụng đen. Hồi đó được hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà tình thương, nhưng bà muốn một căn nhà tươm tất nên đã âm thầm đi “vay nóng” số tiền lên tới trăm triệu. Ông Mai Đình Cương, Trưởng ấp 4, kể lại, hồi ấy cứ thấy bà Sâm tối ngày rầu rĩ, trong khi xây nhà xong xuôi, buôn bán thu nhập ổn định ngày mấy trăm ngàn. Cán bộ ấp, đoàn thể vào tìm hiểu mới biết bà đang vay mượn tín dụng đen. Chỉ tính riêng tiền lãi, mỗi ngày bà phải đóng 300.000 đồng, đúng bằng số tiền trung bình bà kiếm được mỗi ngày. Ngày nào khỏe thì không sao, ngày nào đau bệnh không đi được là hôm đó sống không yên.

Vừa bực cũng vừa thương người chịu khó, không muốn bà Sâm lâm vào bước đường cùng, ông Cương cùng các cán bộ của ấp, của xã cùng ngồi lại bàn bạc cách giúp đỡ tối đa. May mắn là trường hợp của bà Sâm được ngân hàng chính sách xã hội chấp thuận cho vay. Bà dùng số tiền đó trả dứt điểm món nợ lãi cắt cổ. Giờ đây, mỗi ngày đi làm bà đều dành ra một khoản để trả dần số tiền nợ ngân hàng. Bà bảo, hồi ấy cũng vì muốn tự lo, không muốn phiền tới chính quyền đã giúp mình nhiều rồi, nên mới làm vậy. Cũng may, bằng sự quan tâm sát sao từng thái độ, tâm tư của người nghèo, cán bộ ấp kịp thời hỗ trợ. Bởi nếu không, dù có bán cả nhà tình thương đi, nghèo lại hoàn nghèo mà nợ chưa chắc hết. 

“Chúng tôi phải luôn bám sát, liên tục chăm lo “hũ gạo” của từng nhà, cho đến khi các hộ thực sự thoát nghèo, tránh việc tái nghèo hoặc vướng vào tín dụng đen” - ông Mai Đình Cương đúc kết. Công việc này không đơn giản, bởi ấp 4 hiện nay còn tới 14 hộ nghèo, 32 hộ cận nghèo, nhiều nhất xã Phú Xuân. 

Ông Nguyễn Minh Bình, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo xã Phú Xuân cũng chia sẻ, với các hộ nghèo không phải cứ hỗ trợ tiền, quà, xây tặng căn nhà tình thương là xong. Ông kiến nghị các đơn vị khi được phân công giúp đỡ hộ nghèo, ngoài hỗ trợ tiền để nâng thu nhập thì việc nắm rõ hoàn cảnh cụ thể các chiều thiếu hụt để định hướng cho họ công ăn việc làm, đào tạo nghề phù hợp và theo dõi, gặp gỡ thường xuyên giúp họ tháo gỡ nốt các khó khăn, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Học nghề xong, thu nhập ổn định

Năm 2018, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Hương (ở ấp 5, xã Phú Xuân) cũng xin ra khỏi diện hộ nghèo. Chị Hương kể, hồi đó chồng chị từ dưới quê lên, việc làm không ổn định, ai kêu gì làm nấy, ngày công chỉ hơn 100.000 đồng. Khi là hộ nghèo, được hỗ trợ học nghề, anh học thợ nề, chị học thợ may. Học xong, có tay nghề nên ngày công của anh được trả lên 400.000 đồng. Được vay vốn ưu đãi, chị mua thêm máy may, mua cho chồng chiếc xe máy để đi làm. Chị cũng nhận đồ về may gia công, sửa chữa quần áo kiếm thêm thu nhập.

Tin cùng chuyên mục