Với hành lang pháp lý đã được tạo dựng (Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành), ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức đã chủ động đăng ký quyền sở hữu công nghiệp để bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tránh bị người khác đánh cắp.
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp có quyền khiếu nại đối với quyết định hoặc thông báo trái pháp luật và xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn khiếu nại. Đơn khiếu nại sở hữu công nghiệp phải được thực hiện theo mẫu thống nhất do cơ quan nhà nước ban hành; nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung thông báo hoặc quyết định bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ thông báo hoặc quyết định liên quan. Người khiếu nại có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện việc khiếu nại.
Cũng giống như các khiếu nại trong lĩnh vực khác, khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp cũng chỉ được thực hiện trong một thời hiệu nhất định (không kể thời gian có trở ngại khách quan khiến người khiếu nại không thể thực hiện được quyền khiếu nại). Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 90 ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; thời hiệu khiếu nại lần thứ hai là 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ khiếu nại, người khiếu nại nộp đơn khiếu nại và tài liệu kèm theo trực tiếp hoặc qua bưu điện đến trụ sở của Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc tại Văn phòng đại diện của cục ở TPHCM hay Đà Nẵng - nơi ban hành quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định thụ lý đơn để giải quyết hoặc từ chối giải quyết khiếu nại. Sau khi có quyết định tiếp nhận đơn khiếu nại, trong thời hạn luật định, Cục Sở hữu trí tuệ phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần thứ nhất mà khiếu nại không được giải quyết, hoặc khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền lựa chọn tiếp tục khiếu nại tới Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (khiếu nại lần thứ hai) hoặc khởi kiện tại tòa án.
Trường hợp người khiếu nại tiếp tục khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần thứ hai mà không được giải quyết hoặc vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng, lúc này người khiếu nại vẫn có quyền khởi kiện vụ việc tại toà án. Quyết định giải quyết khiếu nại phải được gửi đến người khiếu nại, những người có liên quan và đăng công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Để đảm bảo an toàn pháp lý, người khiếu nại nên tìm đến tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để được tư vấn, thực hiện khiếu nại hiệu quả, tránh trường hợp việc khiếu nại bị từ chối một cách đáng tiếc hay phải mất nhiều thời gian, chi phí, công sức.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư PHAN LAW VIETNAM)