Người tham gia giao thông cần nắm rõ các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng chế tài và quy trình xử lý hành chính vi phạm giao thông đường bộ, từ đó mới có thể khiếu nại đúng trình tự pháp luật khi bị phạt không đúng quy định.
Về quy trình xử lý vi phạm giao thông đường bộ, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, điều này khác với trường hợp xử phạt không lập biên bản, quyết định hành chính sẽ được ban hành tại chỗ ngay vào thời điểm phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Trên thực tế, thông thường trong biên bản sẽ nêu rõ thời gian cụ thể để người bị xử lý vi phạm đến liên hệ làm việc, khi đó sẽ nhận được quyết định xử lý vi phạm hành chính, căn cứ vào đó, người bị xử lý vi phạm hành chính có thể thực hiện khiếu nại đối với quyết định trên.
Tại Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, người bị xử phạt có thể gửi đơn khiếu nại đến chính cơ quan ban hành quyết định. Trong lúc chờ kết quả giải quyết khiếu nại từ cơ quan có thẩm quyền, người bị xử phạt vẫn phải chấp hành và thực thi nội dung của quyết định, nội dung này được quy định tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó.
Như vậy, trong quá trình bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị xử phạt cần tuân thủ và chấp hành theo quy định pháp luật. Trong trường hợp cho rằng mình không có lỗi hoặc không đồng ý với biên bản xử phạt, người tham gia giao thông nên ghi ý kiến của mình vào biên bản, sau đó thực hiện việc khiếu nại theo đúng trình tự, cần hạn chế tối đa thái độ bất hợp tác và hành vi chống đối hoặc bỏ đi không ký vào biên bản. Đối với các trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế, từ đó làm phát sinh các hậu quả về pháp lý và tài chính.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư PHAN LAW VIETNAM)