Các quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) ngày 8-5 đã sơ bộ nhất trí mở rộng tiêu chuẩn pháp lý nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại hội nghị ngoại trưởng EU vào ngày 12-5 tới. Đến nay, EU đã ban hành lệnh cấm cấp thị thực, đồng thời phong tỏa tài sản đối với 48 người Nga và Ukraine.
Trong khi phương Tây tiến hành hết cuộc họp này đến cuộc thảo luận khác nhằm mở rộng phạm vi trừng phạt Nga, thì dường như nước Nga không hề nao núng vì vẫn còn một phương Đông đang rất hào hứng bắt tay, trong đó nổi bật là Ấn Độ.
Không khó hiểu khi chứng kiến phản ứng của Ấn Độ trên chính trường quốc tế trong thời gian gần đây. Từ việc không bỏ phiếu cho Nghị quyết lên án Nga sáp nhập Crimea của HĐBA LHQ, đến việc cùng với một số nước trong nhóm BRICS phản đối việc áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây, bác bỏ đề nghị của Ngoại trưởng Australia Julie Bishop loại trừ Nga ra khỏi Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới…
Những động thái của Ấn Độ được lý giải như hệ quả tất yếu của thời Chiến tranh lạnh, khi đó quan hệ giữa Nga và Ấn Độ đã phát triển chặt chẽ, hoặc là sự phản ánh của các mối quan hệ liên kết kinh tế hiện đang “đâm chồi nảy lộc” giữa hai nước. Nga nổi lên như một nguồn cung năng lượng quan trọng cho Ấn Độ, và cùng với Brazil, Trung Quốc, Nam Phi, hai nước này đang tìm cách vẽ lại cấu trúc tài chính quốc tế thông qua sự ra đời của Ngân hàng phát triển BRICS.
Nhiều nhà phân tích từng nhận định rằng năm 2014 trở thành một cột mốc mới trong quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Nga vì hứa hẹn một sự tái sinh của nhiều hợp đồng hợp tác song phương, trong đó lĩnh vực năng lượng và quốc phòng là then chốt. Bốn năm trước, Nga đã ký một lộ trình xây dựng 16 nhà máy điện cho Ấn Độ.
Tuy nhiên, để đáp ứng công suất đề ra là 17.400 MW điện vào năm 2017, Ấn Độ phải có đến 19 nhà máy điện. Và Nga đã được chọn để xây dựng thêm những nhà máy này. Giai đoạn 2 của quá trình xây dựng đang được hai bên đàm phán.
Chuyến thăm mới đây của Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Rosneft Igor Sechin tới Ấn Độ là nhằm tìm hợp đồng cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ. Ngoài ra, kim ngạch mua bán vũ khí giữa hai nước mỗi năm càng tăng cao. Chỉ trong năm 2013, Ấn Độ nhập khẩu vũ khí Nga lên đến 4,7 tỷ USD.
Nhưng nếu chỉ dựa vào những nền tảng kinh tế thì chưa đủ sức thuyết phục bởi mối quan hệ kinh tế của Ấn Độ đối với Mỹ cũng đáng kể hơn nhiều. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Ấn Độ với Nga vẫn còn khá khiêm tốn trong khi Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Ấn Độ. Điều này cho cho thấy rằng động thái của Ấn Độ phản ánh lập trường của Ấn Độ về “vấn đề Crimea” hơn là đề cập tới thế mạnh và điểm yếu của các mối quan hệ song phương với Nga hoặc Mỹ.
Lập trường của Ấn Độ về “vấn đề Crimea” cùng với sự bác bỏ các nỗ lực cô lập Nga của phương Tây phản ánh sự quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược với Nga, cũng như quan điểm của New Delhi về vai trò của Mátxcơva trong hoài bão xây dựng một trật tự thế giới mới.
HẠNH CHI