Gương mặt Học bổng Nguyễn Văn Hưởng

Khó khăn càng hun đúc ý chí!

Khó khăn càng hun đúc ý chí!

Trò chuyện với những gương mặt được nhận Học bổng Nguyễn Văn Hưởng Báo SGGP lần thứ 7 năm 2006, những câu chuyện cảm động về quãng đời mà họ đã trải qua khiến chúng tôi thêm tự hào về lớp trẻ. Với họ, khó khăn càng hun đúc ý chí sớm thành tài để phục vụ nhân dân!

  • Phạm Hữu Dũng (lớp Dược 2002 khoa Dược Đại học Y Dược TPHCM)
    Sẽ dành một phần tiền để học ngoại ngữ
Khó khăn càng hun đúc ý chí! ảnh 1

Sinh ra và lớn lên ở xã Lộc Sơn huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng, nhà nghèo, nên cả 6 anh, chị của Dũng đều không được đến trường. Dũng may mắn hơn nhưng cũng phải 8 tuổi mới được vào lớp 1. Đến lớp 5 thì việc học của Dũng lại bị gián đoạn vì gia đình rơi vào hoàn cảnh túng quẫn. 2 năm sau, khi có điều kiện kinh tế, đi học lại thì Dũng đã quá tuổi nên phải học trường dân lập.

Thương bố mẹ vất vả dãi nắng dầm mưa cho mình ăn học nên Dũng quyết chí học thật giỏi. Năm nào Dũng cũng đạt được danh hiệu học sinh giỏi của trường và của huyện. Nhờ thế cho nên Dũng được nhà trường miễn giảm học phí. Năm 2001, khi Dũng đang học lớp 11, một biến cố lại đến - trong một lần chở khách, bố Dũng bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, rồi mất. Vượt qua nỗi đau, mẹ Dũng lại tiếp tục tảo tần nuôi Dũng ăn học.

Hết lớp 12, Dũng thi đậu vào Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ngày Dũng lên TP mẹ đã phải bán đi đôi bông tai và huy động mọi người trong gia đình từ bà ngoại đến các cô chú anh chị mỗi người góp một ít để có tiền cho Dũng nhập học. Vì nhà nghèo nên suốt 4 năm qua, ngoài giờ lên lớp, Dũng phải đi dạy thêm, tới 24 tiết/tuần. Thế nhưng kết quả học tập của Dũng vẫn rất cao, điểm tổng kết của Dũng trong học kỳ qua là 7,9.

Dũng tâm sự: “Khó khăn nhất của em hiện nay là chưa có điều kiện để trau dồi ngoại ngữ và tin học, mặc dù em đã vào những năm cuối. Em thương mẹ lắm. Đã ngoài 60 tuổi, nhưng hằng ngày mẹ em vẫn phải đẩy xe nước mía ra đường bán kiếm tiền sinh sống. do làm quá sức nên mẹ bị đau lưng và nhức mỏi xương khớp. Các anh chị đều đã lập gia đình, nhưng vì không được học hành đến nơi đến chốn nên người thì chạy xe ôm, người thì làm phụ hồ, các cháu không đứa nào được đi học.

Em mong mình học xong sẽ có công việc ổn định để có thể góp sức vào công tác khám chữa bệnh cho mọi người và kiếm tiền giúp cho những đứa cháu nhỏ ở quê được đi học đầy đủ. Nếu em được nhận học bổng lần này, em sẽ dùng một phần để đóng học phí và số còn lại em sẽ sử dụng vào việc trau dồi ngoại ngữ và tin học để sau này thuận lợi hơn cho công việc.

Khó khăn càng hun đúc ý chí! ảnh 2
  • Lê Thanh Bình (lớp Y 2001 Trường Đại học Y Dược TPHCM)
    Cán bộ đoàn năng nổ, 2 năm liên tiếp được nhận Học bổng Nguyễn Văn Hưởng

Bình quê ở xã Nhơn Mỹ huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, đồng hương với cố bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế. Bình không chỉ học giỏi - đây là lần thứ 2 em được nhận Học bổng Nguyễn Văn Hưởng - mà còn là một cán bộ đoàn rất năng nổ, với cương vị là bí thư chi đoàn. Trong 2 năm liên tiếp 2004, 2005 Bình tham gia chiến dịch Mùa hè xanh về vùng sâu vùng xa tại các tỉnh Trà Vinh và Bình Phước.

Bình kể: hồi em chuẩn bị lên cấp 3 thì nghe tin trước lúc lâm chung, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đã có nguyện vọng cao đẹp là lập ra quỹ học bổng để giúp đỡ sinh viên Y khoa nghèo hiếu học, không ngờ bây giờ mình lại được trao học bổng ấy. Là con nhà nghèo bố mẹ thường đi làm xa không ai kèm nhưng Bình luôn có ý thức tự giác học tập. Không chỉ học sinh giỏi liên tục trong suốt 12 năm học phổ thông mà Bình còn đoạt giải 3 quốc gia môn sinh học năm lớp 12 và được tuyển thẳng vào Đại học Y Dược

  • Nguyễn Thị Ngọc Giàu (lớp Dược 2005, Trường Đại học Y Dược TPHCM)
    Thế là có tiền trả nợ học phí năm đầu tiên!
Khó khăn càng hun đúc ý chí! ảnh 3

Ngọc Giàu quê xã An Thới Đông huyện Cần Giờ TPHCM. Cha mẹ làm nghề chài lưới thu nhập trồi sụt theo con nước. Hằng ngày, bố mẹ thường xuyên phải ở ngoài đầm canh chừng con nước để kéo lưới và ngăn đầm. Mỗi khi xảy ra sự cố như bể đầm, hoặc đầm khan thì coi như mất trắng.

Là chị cả nên ngay từ nhỏ Giàu đã phải thay bố mẹ làm mọi công việc trong gia đình và chăm sóc hai em nhỏ. Nhưng Giàu vẫn luôn học giỏi nhất lớp. Năm 2005, Giàu thi đậu vào Trường Đại học Y Dược TPHCM. Tuy nhiên, vì gia đình quá khó khăn nên Giàu vẫn chưa có tiền đóng học phí. Mỗi tuần một lần Giàu lại phải đón xe về nhà nhận tiền tiếp tế của gia đình từ 1 - 2 trăm ngàn.

Ngoài giờ học, Giàu phải đi dạy thêm Anh văn ở quận 8 để kiếm tiền mua sách vở. Khi hay tin mình được nhận Học bổng Nguyễn Văn Hưởng, Giàu mừng lắm: thế là có tiền để đóng học phí năm thứ nhất rồi - Giàu hồn nhiên tâm sự. Tuần rồi, em thông báo tin vui này cho gia đình, cả nhà đều mừng muốn rơi nước mắt!

Tin cùng chuyên mục