
Ngày 26-1-2006, liên Bộ Y tế, LĐ-TBXH, Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch số 03/2006 bổ sung thông tư liên bộ số 14/1995/TTLB ngày 30-9-1995, hướng dẫn thực hiện việc thu một phần viện phí. Tuy nhiên, gần 1 tháng sau khi thông tư quan trọng này ra đời, các cơ sở y tế hầu như chưa nhận được văn bản, còn cơ quan bảo hiểm y tế (BHYT) thì kêu trời...
1.027 kỹ thuật y tế được xác định khung giá viện phí
Giải thích về sự ra đời của thông tư 03/2006, một đại diện liên bộ cho biết: Để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, của cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và để thống nhất quản lý, do vậy phải bổ sung một số nội dung của thông tư liên bộ số 14/1995/TTLB ngày 30-9-1995.

Bác sĩ Khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành định vị khối u trước khi phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: MAI HẢI
Theo đó, liên bộ ban hành tạm thời khung giá một phần viện phí của một số dịch vụ y tế phát sinh từ năm 1995 đến nay nhưng chưa được quy định trong khung giá ban hành năm 1995 (khi đó, chỉ có khoảng hơn 400 loại kỹ thuật). Cụ thể, tổng cộng có 1.027 kỹ thuật y tế được xác định khung giá lần này (từ tối thiểu đến tối đa). Khung giá này chưa bao gồm chi phí của các loại thuốc, chất phóng xạ dùng trong chẩn đoán, điều trị ung thư, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao đặc biệt.
Cũng theo quy định tại thông tư trên, căn cứ khung giá mới, khung giá năm 1995 và tình hình kinh tế- xã hội của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, TP sẽ quyết định mức thu một phần viện phí cho các cơ sở KCB do địa phương quản lý; còn Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định mức thu một phần viện phí cho các cơ sở KCB ở cấp TƯ. Mức viện phí mới này là cơ sở để thanh toán viện phí đối với các đối tượng người bệnh, kể cả người bệnh có thẻ BHYT.
Như vậy, cùng với quyết định số 36 của Bộ Y tế về việc người bệnh được BHYT chi trả các chi phí y tế kỹ thuật cao, theo ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Giám định y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tất cả các kỹ thuật y tế hiện có tại Việt Nam đều đã có khung giá và phần lớn đều được BHYT thanh toán.
Nghĩa là, việc ban hành khung giá một phần viện phí mới lần này là cần thiết, phù hợp với tình hình chuyển biến của thị trường. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên SGGP, khung giá này đang làm nảy sinh rất nhiều bất cập mà nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ gây mất công bằng nghiêm trọng trong KCB.
Khung giá viện phí quá rộng
Căn cứ danh mục 1.027 kỹ thuật y tế được xác định khung giá lần này, có thể thấy khung giá quá rộng (gấp 5 lần, nếu so sánh khung tối đa đến tối thiểu) với phạm vi điều chỉnh rất lớn (bao gồm cả các kỹ thuật cao, thẩm mỹ, phục hồi chức năng, đối với cả bệnh nhân điều trị ngoại trú và nội trú).

Hệ thống chụp mạch máu cho bệnh nhân tim mạch tại BV Nhân dân 115. Ảnh: MAI HẢI
Nhiều kỹ thuật được xác định giá tối đa quá cao, gần như đã tính đủ chi phí cho sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao đó (chứ không chỉ một phần). Bởi vậy, vấn đề đặt ra là các tỉnh phải tính toán thật kỹ trước khi đưa ra khung giá viện phí phù hợp để áp dụng ở địa phương mình.
Nếu tính sát giá tối đa, sẽ rất thiệt thòi cho những bệnh nhân không có thẻ BHYT, bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả (hiện vẫn còn tới 60% người dân ở các tỉnh không có thẻ BHYT, trong đó, phần lớn là người không có thu nhập ổn định). Nếu các địa phương tính sát giá tối đa, khoảng cách trong KCB sẽ ngày càng cao, gây mất công bằng. Và điều quan trọng là quỹ BHYT sẽ bị thâm hụt nặng nề!
Theo BHXH Việt Nam, khi tính toán phương án hoạt động năm 2006, BHYT dự kiến thu 4.100 tỷ đồng, chi 5.200 tỷ đồng. Vì vậy, để bảo đảm thu chi năm nay, có 1.100 tỷ đồng từ nguồn kết dư của quỹ (khoảng 2.000 tỷ đồng) đã được điều sang để bổ sung cho quỹ năm 2006.
“Phương án này được tính khi chưa có thông tư 03/2006 và chưa có bổ sung hàng trăm kỹ thuật y tế mới mà BHYT phải chi trả. Điều này có nghĩa là dự trù chi của quỹ năm nay sẽ đội lên rất nhiều. Hiện nay, quỹ cũng chưa thể dự trù nhu cầu chi trong năm nay vì phải chờ bảng viện phí của Bộ Y tế (cho BV cấp TƯ) và của các tỉnh (cho BV cơ sở). Nhiều khả năng quỹ sẽ chỉ cầm cự được đến hết năm 2007”, ông Nguyễn Minh Thảo nói.
Vẫn theo ông Thảo, trường hợp quỹ BHYT bị thâm hụt, có thể xảy ra 2 khả năng: các BV tìm cách giảm bớt quyền lợi của bệnh nhân, hoặc BHXH phải tăng mức đóng BHYT. Nếu tăng mức đóng BHYT thì phải tăng từ 30% đến 50%; tuy nhiên, việc tăng mức đóng BHYT sẽ đụng chạm đến nhiều vấn đề!
Được biết, theo tính toán ban đầu, khung giá này sẽ đạt từ 20% đến 100% chi phí KCB thực. Như vậy, có thể thấy, bản thân thông tư 03/2006 chính là một cách điều chỉnh viện phí, gây ảnh hưởng không nhỏ tới người dân, nhất là những bệnh nhân nghèo. Vấn đề đặt ra là, cùng với việc điều chỉnh khung viện phí, phải đồng thời có chính sách để hỗ trợ người dân, nhằm giảm gánh nặng chi trả cho người bệnh. Mặt khác, phải có cơ chế kiểm soát để các địa phương đưa ra khung giá phù hợp.
QUANG PHƯƠNG