Khổ vì... trúng đấu giá!

Về nguyên tắc, các tổ chức, công dân khi mua tài sản thông qua hoạt động bán đấu giá tài sản công khai sẽ có nhiều điểm lợi. Thứ nhất, họ không phải mất thời gian, công sức vì thủ tục hành chính; các giấy tờ chuyển dịch quyền sở hữu tài sản sẽ do Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản lo. Thứ hai, họ được mua các tài sản có đầy đủ thủ tục pháp lý và hệ số an toàn cao. Thế nhưng, trong thực tế, có những người trúng đấu giá đã trở thành “khổ chủ” do các cơ quan chức năng hành xử sai luật!
Khổ vì... trúng đấu giá!

Về nguyên tắc, các tổ chức, công dân khi mua tài sản thông qua hoạt động bán đấu giá tài sản công khai sẽ có nhiều điểm lợi. Thứ nhất, họ không phải mất thời gian, công sức vì thủ tục hành chính; các giấy tờ chuyển dịch quyền sở hữu tài sản sẽ do Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản lo. Thứ hai, họ được mua các tài sản có đầy đủ thủ tục pháp lý và hệ số an toàn cao. Thế nhưng, trong thực tế, có những người trúng đấu giá đã trở thành “khổ chủ” do các cơ quan chức năng hành xử sai luật!

Nội dung vụ việc

Căn nhà số A15 Quang Trung (phường 12, quận Gò Vấp TPHCM) thuộc sở hữu của bà Trần Thị Kim Phượng nhưng chưa xác lập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở. Năm 2007, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản, Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM đã buộc bà Phượng có trách nhiệm trả cho ông Vương Trọng Vĩnh gần 534 triệu đồng, căn nhà này bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

Cũng cần nói rõ, căn nhà này đã được kê biên từ giai đoạn xét xử sơ thẩm ở TAND quận Gò Vấp. Thế nhưng lấy lý do là đã bán nhà cho ông Đỗ Quang Thống từ năm 2005 (bằng giấy tay), bà Phượng đã đề nghị giải tỏa kê biên để trả lại nhà cho ông Thống. Tuy nhiên, cả hai cấp tòa đều nhận định rằng nhà A15 Quang Trung chưa có chủ quyền, hình thức mua bán bằng giấy tay là không phù hợp với quy định của pháp luật, nên không có cơ sở để công nhận ông Thống là chủ sở hữu căn nhà. Như vậy căn nhà này vẫn là tài sản của bà Phượng.

Căn nhà A15 Quang Trung

Căn nhà A15 Quang Trung

Khi án có hiệu lực pháp luật, ông Vĩnh yêu cầu thi hành án. Sau khi hết thời gian tự nguyện mà bà Phượng vẫn không thi hành theo nội dung án tuyên, cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) quận Gò Vấp tiến hành cưỡng chế thi hành án, lập thủ tục bán đấu giá nhà số A15 Quang Trung. Ngày 29-2-2008, ông Nguyễn Quang Duy (thường trú tại phường 15, quận 10, TPHCM) trúng đấu giá căn nhà với mức giá 1,17 tỷ đồng. Đến ngày 13-3-2008, ông Duy đã nộp đủ tiền và tiến hành làm thủ tục hợp thức hóa. Kể từ thời điểm này, “con đường đau khổ” nhiều tập của ông Duy bắt đầu…

Tập 1: Khổ vì “ông” nhà đất

Sau khi hoàn tất các thủ tục giấy tờ theo quy định, ông Duy nộp hồ sơ xin hợp thức hóa nhà tại UBND quận Gò Vấp. Lúc này, ông Thống (người mua nhà bằng giấy tay với bà Phượng) gởi đơn khiếu nại và hồ sơ đã bị “ách”. Có thể nói đây là một việc làm sai luật. Bởi lẽ, việc tạm thời ngưng giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận hay các giao dịch khác về nhà đất chỉ được thực hiện khi có văn bản yêu cầu ngăn chặn của các cơ quan tư pháp (tòa án, kiểm sát, công an, thi hành án dân sự…), còn với khiếu nại của công dân thì không có cơ sở để thực hiện. Tiếp đó, ngày 3-11-2008, Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) thông báo cho ông Duy biết là không xem xét cấp giấy chứng nhận với lý do: “Được biết Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn kiến nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xem xét đơn khiếu nại của bà Phượng đối với bản án” (!?).

Điều này một lần nữa cho thấy cơ quan chức năng của quận Gò Vấp đã không nắm vững các quy định của pháp luật (như trên đã nêu) nên áp dụng không chính xác, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của người dân. Ông Nguyễn Quang Duy tiếp tục khiếu nại và phải đến nhiều tháng sau, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận của ông mới được Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thụ lý giải quyết.

Tháng 8-2009, khi thủ tục hợp thức hóa căn nhà gần như đã hoàn tất, TAND tối cao có Quyết định Giám đốc thẩm số 389 hủy bản án dân sự phúc thẩm về vụ kiện giữa bà Phượng và ông Vĩnh. Dù chẳng hề liên quan gì đến vụ kiện này nhưng ông Duy lại phải bước vào “con đường đau khổ tập 2” vì cách làm việc của Chi cục THADS quận Gò Vấp!

Tập 2: Mỏi mòn vì cơ quan thi hành án

Khi có quyết định giám đốc thẩm, bà Phượng có đơn đề nghị hủy bỏ việc mua bán đấu giá căn nhà A15 Quang Trung. Ngày 19-10-2009, ông Hoàng Minh Nhân, Chi cục trưởng Cục THADS quận Gò Vấp, ký công văn số 123/THA gởi Phòng TN-MT đề nghị tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận đối với căn nhà nói trên.

Ông Duy có đơn khiếu nại. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (điều 135 và 136) thì trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật mà phần tài sản trong bản án bị hủy đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba thông qua bán đấu giá, chủ sở hữu ban đầu cũng không được lấy lại tài sản mà sẽ được bồi hoàn giá trị tài sản.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hoàng Minh Nhân thừa nhận khiếu nại của ông Duy là có cơ sở, tuy nhiên do vụ án diễn biến phức tạp, chưa rõ kết quả xét xử lại sẽ như thế nào, nên ông phải ra văn bản ngăn chặn để việc thi hành án sau này đỡ khó khăn, rối rắm (ví dụ như tránh tình huống ông Duy khi có chủ quyền sẽ bán lại nhà cho người khác).

Quan điểm trên của Chi cục THADS quận Gò Vấp là không phù hợp với luật định (như đã viện dẫn), nhất là khi Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ “Về bán đấu giá tài sản” đã có hiệu lực thi hành. Do vậy, cho dù kết quả xử lại vụ kiện giữa bà Phượng và ông Vĩnh có hoàn toàn đảo ngược so với trước đây thì căn nhà A15 Quang Trung vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Duy. Nếu bà Phượng thấy việc bán căn nhà đã gây thiệt hại cho bà thì có quyền yêu cầu bồi thường và pháp luật cũng đã có quy định cụ thể về việc này. Qua vụ việc này, đề nghị lãnh đạo quận Gò Vấp và Cục THADS TPHCM sớm có chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan thuộc quyền giải quyết tích cực, đúng luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp đã được pháp luật bảo hộ của ông Nguyễn Quang Duy.

HOÀNG TRỌNG KHÔI

Tin cùng chuyên mục