(SGGPO).- Liên quan tới nhiều ca phản ứng sau tiêm chủng vaccine “5 trong 1” Quinvaxem mới đây tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), GS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, nguyên nhân dẫn tới vụ tai biến này đang được Hội đồng khoa học xem xét và chưa đưa ra kết luận.
Ông Hiển cũng cho biết, sau nhiều trường hợp tử vong và phản ứng sau tiêm chủng loại vaccine trên, đến nay chưa có bằng chứng về chất lượng vaccine Quinvaxem có liên quan đến các ca phản ứng sau tiêm dẫn đến tử vong tại Việt Nam. Ngoài ra, kết luận trước đây của Bộ Y tế và Hội đồng khoa học cũng cho thấy, các trường hợp phản ứng sau tiêm vaccine Quinvaxem đều không có bằng chứng liên quan đến chất lượng dịch vụ tiêm chủng.
Theo ông Hiển, thực tế trong một số trường hợp khó xác định nguyên nhân tai biến vaccine là do sốc phản vệ hay trùng hợp ngẫu nhiên. Bởi lẽ, trẻ tử vong tại nhà, không có hồ sơ theo dõi sức khỏe sau tiêm ở cơ quan y tế và cũng không có mổ tử thi nên không có bằng chứng để kết luận, cũng như loại trừ nguyên nhân sốc phản vệ hay do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh khác của trẻ. Hơn nữa, cũng không có loại vaccine nào là tuyệt đối an toàn 100%, vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có phản ứng nặng sau tiêm vaccine.
Vaccine “5 trong 1” Quinvaxem là loại vaccine phòng ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi B và Hib. Đây là loại vaccine được phân phối và sử dụng phổ biến ở nhiều nước đang phát triển. Tại Việt Nam, từ tháng 6-2010, loại vaccine này được đưa vào Chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi tính từ cuối năm 2012.
Trong hơn 2 năm qua, Việt Nam nhập về gần 15 triệu liều vaccine Quinvaxem và đã sử dụng hơn 11 triệu liều. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, từ cuối năm 2012 cho tới ngày 5-1-2013, tại một số tỉnh thành ở nước ta đã có 5 ca tai biến sau tiêm sau khi tiêm vaccine Quinvaxem với 2 trẻ tử vong và mới đây nhất vào ngày 15-3 tại Đà Lạt, cháu V.A (4 tháng tuổi ) đã tử vong sau tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem cùng với 10 trường hợp khác có biểu hiện phản ứng sau tiêm chủng.
NGUYỄN QUỐC