Chính phủ Singapore đang đứng trước nhiều lựa chọn để lái con tàu phát triển quốc gia, tạo sự bền vững cần thiết trong những năm sắp tới. Với lựa chọn nào thì vẫn sẽ có những tác động đáng kể đến nền kinh tế và xã hội của đảo quốc sư tử này. Đó là lời nhận định được đưa ra trong một bài phân tích của Tân Hoa xã về tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Singapore trong việc điều chỉnh chính sách lao động, đặc biệt là với đối tượng lao động nhập cư trong thời gian tới đây.
Theo dự kiến, đầu năm sau, Quốc hội Singapore sẽ bỏ phiếu về chính sách dân số, theo đó sẽ quyết định mức độ mở cửa của Singapore đối với lao động nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách đã tranh cãi rất nhiều hòng tìm sự thống nhất trong chính sách dân số để Singapore tiếp tục phát triển, cân bằng giữa tình trạng dân số già ngày càng áp đảo ở đất nước này cùng những chi phí xã hội bị đẩy cao vì gia tăng dân số nước ngoài.
Hiện 1/3 trong số gần 6 triệu dân ở Singapore là người nước ngoài. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách Singapore, nước này cần có thêm 30.000 người nhập cư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giảm ảnh hưởng của tình trạng dân số già. Năm 2008, Chính phủ Singapore ra sức thu hút lao động giỏi ở các ngành kỹ thuật cao như phân tích tài chính, kỹ thuật sinh học, y học, năng lượng thay thế…
Do khủng hoảng kinh tế và áp lực chính trị cũng như lao động bản địa, tháng 10-2010, Chính phủ Singapore sửa đổi quy định cấp thẻ thường trú cho những người nước ngoài là nhà đầu tư, doanh nghiệp hay người lao động có tay nghề cao. Thắt chặt chính sách nhập cư và tiếp nhận lao động nước ngoài được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của người Singapore, trong đó giúp giảm đáng kể các vụ ùn tắc giao thông, bảo vệ thị trường lao động cho chính người dân Singapore trong thời buổi khó khăn, giảm những cơn sốt địa ốc đẩy người dân Singapore vào cuộc cạnh tranh tìm nhà ở. Tuy nhiên, quyết định này đã gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế Singapore. Lạm phát trong tháng 9 vừa qua lên mức 4,7% so với 3,9% của tháng 8.
Chưa kể, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu quá cứng nhắc trong chính sách nhập cư thì viễn cảnh một thị trường lao động kém năng động, lạm phát cao, tăng trưởng thấp là điều tất yếu ảnh hưởng không ít đến tiến trình phát triển của Singapore. Ngân hàng đầu tư Merrill Lynch (Mỹ) đã đưa ra phân tích chính sách lao động khắt khe của Singapore sẽ dẫn đến sự sụt giảm nguồn thu thuế, tiếp đó là giảm chi phí xã hội trong khi dân số già là vấn đề cần lưu ý ở Singapore.
Chính sách lao động tự do sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm lên 150.000 công việc, trong khi thắt chặt lao động sẽ chỉ tạo ra 115.000 việc làm trong cả năm 2012, dẫn đến GDP năm nay có thể chỉ đạt 1,3%. Dù Chính phủ Singapore thời gian qua đã đưa ra nhiều sáng kiến và nguồn quỹ nhưng thực tế, tăng trưởng Singapore trong quý 3 vừa qua âm (-) 1,5%.
Một trong những điều mà các đảng đối lập chỉ trích chính phủ nhiều nhất là vấn đề chính sách dân số. Nhưng trở lại như thời chính sách tự do, thông thoáng cho lao động nhập cư và người nước ngoài như trước đây là điều không thể. Cái khó của những nhà lãnh đạo Singapore hiện nay là tìm ra chính sách thỏa đáng vừa đáp ứng được nhu cầu của lao động trong nước, nhưng cũng linh hoạt trong đón nhận lao động nước ngoài sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế quốc gia.
NHƯ QUỲNH