“Khoảng dừng nhân đạo” ở Syria

Bắt đầu từ 9 giờ sáng 27-2 (giờ địa phương), lệnh ngừng bắn trong 5 giờ mỗi ngày, hay còn gọi là “khoảng dừng nhân đạo”, tại khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, do Nga đề xuất đã có hiệu lực. 

 

 



Tuy nhiên, cùng với Nghị quyết 2401 mà Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) vừa nhất trí thông qua, những bước đi này khó có thể giúp tìm ra lối thoát cho tình hình chiến sự tại quốc gia Trung Đông này. 
“Khoảng dừng nhân đạo” ở Syria ảnh 1 Đông Ghouta tạm thời yên ắng trong ngày 27-2
 Từ Đông Ghouta đến Raqqa

Theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khoảng thời gian “khoảng dừng nhân đạo”, sẽ không có các cuộc không kích, để người dân nơi đây có thể rời khỏi Đông Ghouta. Một hành lang nhân đạo cũng được chuẩn bị thiết lập tại khu vực giao nhau ở Al-Wafideen để đưa người dân ở Đông Ghouta cũng như những người bị ốm và bị thương rời khỏi khu vực này. Quan chức quân sự Nga và Syria nỗ lực phối hợp và kêu gọi thủ lĩnh phiến quân gỡ mìn cài trên các tuyến đường tới hành lang nhân đạo, tạo cơ hội cho người dân rời khỏi nơi đây. Tuy nhiên, kênh truyền hình nhà nước của Syria và Nga cáo buộc không có dân thường nào rời khỏi khu vực Đông Ghouta trong ngày 27-2 do phiến quân đã nã súng cối vào tuyến đường sơ tán vốn mở ra để dân thường có thể rời khu vực xung đột.

Trong diễn biến liên quan, Nga cũng đã đề nghị thành lập một ủy ban nhân đạo quốc tế do LHQ dẫn đầu để đánh giá tình hình tại khu vực Raqqa ở Syria. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, khu vực Raqqa đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng do một số lượng lớn thi thể tại đây chưa được chôn cất, các đống đổ nát và vật liệu chưa nổ cũng chưa được dọn dẹp. Do đó, Nga đề xuất thành lập càng sớm càng tốt một ủy ban quốc tế dưới sự lãnh đạo của LHQ để xem xét và đánh giá tình hình ở Raqqa, khu vực hiện cả truyền thông và các tổ chức nhân đạo đều không được phép tiếp cận. 

Lò lửa âm ỉ 

Mặc dù được LHQ hậu thuẫn, nhưng “khoảng dừng nhân đạo” của Nga bị Anh chỉ trích khi cho rằng việc Mátxcơva kêu gọi áp dụng “khoảng dừng” là không tuân thủ hay thực thi Nghị quyết 2401 vốn được Nga bỏ phiếu tán thành. Ngày 27-2, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson còn cảnh báo nước này sẽ cân nhắc tham gia các cuộc không kích quân sự của Mỹ chống Chính phủ Syria nếu có bằng chứng cho thấy các vũ khí hóa học đang được sử dụng nhằm vào dân thường tại quốc gia Trung Đông này. 

Theo Nga, việc chính quyền của Tổng thống Basha al-Assad liên tiếp bị cáo buộc tấn công phe nổi dậy Syria, trong đó có cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, thực chất là một cuộc chiến tuyên truyền của phương Tây nhằm bôi xấu hình ảnh của Damascus và tạo cớ để tấn công quân đội Syria. Theo giới quan sát, nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào cả chính quyền của Tổng thống al-Assad lẫn vị thế của Nga ở Syria. 

Có thể nói, vì sự can dự của quá nhiều bên trên những vùng lãnh thổ rộng lớn, trong lúc nội bộ Syria bị chia rẽ nặng nề với nhiều phe phái, nên “lò lửa” tại Syria có thể tạm thời hạ nhiệt, song tình hình chiến sự tại quốc gia Trung Đông này vẫn không hề giảm bớt. Với lý do chống khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Nghị quyết 2401 sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự Nhành oliu mà Ankara đang tiến hành tại khu vực Afrin. Iran cũng tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào vùng ngoại ô Damascus do “những kẻ khủng bố” kiểm soát. Mỹ cho biết không có ý định rút 2.000 binh sĩ khỏi Syria ngay cả khi cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã khép lại. Quốc gia Trung Đông vốn chìm trong cuộc xung đột kéo dài suốt 7 năm qua này có thể lại càng lún sâu hơn vào vòng xoáy bất ổn không dễ gì tìm được lối thoát.

Tin cùng chuyên mục