Lạnh nhạt với bạn đời
Những tưởng cãi vã ở mỗi gia đình là bất hạnh, là điều không ai muốn. Song ở nhiều gia đình khác lại ao ước có sự cãi vã, bởi điều đó chứng tỏ vợ chồng còn quan tâm đến nhau.
Đây là lần thứ 2 bà Bình nhìn vợ chồng chị Hạnh sát vách nhà bà cãi nhau mà bày tỏ mong ước ấy. Chị Thu Quỳnh (con dâu bà) sống vật vờ như cái bóng trong chính ngôi nhà của mình. Còn Đạt - con trai bà thì ngày càng quá quắt. Anh ưng làm gì thì làm gì, muốn nói sao thì nói, chị Thu Quỳnh tuyệt nhiên không có ý kiến. Có những khi anh nhậu say bí tỉ đi mấy ngày không về, chị cũng coi như không. Hàng ngày, chị vẫn cơm nước đầy đủ, nhà cửa sạch sẽ, nhưng hiếm khi mở miệng nói với chồng tiếng nào, họa hoằn lắm chỉ trao đổi vài ba câu chuyện về việc học hành, đau bệnh của con.
Bà Bình kể, ngày trước chị Thu Quỳnh cũng quan tâm, lo lắng cho anh Đạt. Có khi anh về trễ, chị ngủ không được lại mò dậy lang thang cả đêm tìm chồng ở các quán nhậu. Dạo ấy, tối nào chị cũng cằn nhằn mỗi khi anh đi làm về trễ trong tình trạng say khướt. Miệng nói, tay phụ anh thay đồ, lau rửa... nhưng lâu lắm rồi bà không còn nghe tiếng cằn nhằn ấy. Thậm chí, vợ chồng với nhau nhưng người này đau bệnh người kia cũng thờ ơ.
Tôi có chị bạn cũng có phần giống chị Thu Quỳnh. Ngày cậu con trai út hoàn tất các môn thi tốt nghiệp phổ thông, chị đệ đơn ly hôn chồng khiến mọi người ngỡ ngàng. Bởi trước nay, ai cũng tưởng cuộc sống gia đình chị ấm êm, hạnh phúc. Đến nỗi, chồng chị - người trong cuộc cũng không cảm nhận được sóng gió trong cuộc hôn nhân của mình lớn đến vậy. Mãi đến khi ra tòa, anh mới biết từ lâu chị đã hết cảm xúc vợ chồng với anh - một người chồng không chung thủy. Tại tòa, anh mới hối hận khi không suy xét tại sao bỗng dưng vợ mình “ngoan” đến lạ, không dò xét anh, không ghen tuông trước những mối quan hệ ngoài luồng của anh như trước. Thậm chí, chị bình tâm trước tất cả sự cắc cớ, đòi hỏi của anh.
Vun đắp từ hai phía
Hơn 8 năm chị bạn tôi sống như vậy, chị đã rất nhẫn nhịn để con trưởng thành thêm chút nữa và cũng để chị chuẩn bị thêm hành trang cho bản thân sẵn sàng một cuộc sống độc lập. Tôi đọc được sự bình yên trong ánh mắt chị, ngay sau khi tòa tuyên chị độc thân mới thấy sự nhẫn nhịn của chị không hề dễ chịu. Chị buông tay khi không thể tiếp tục gắng gượng một mình xây tổ ấm, bởi bất kỳ trong mối quan hệ nào, muốn bền chặt phải được vun đắp từ hai phía. Với chị, một gia đình đầy đủ không phải chỉ bằng sự hiện diện của các thành viên mà ở đó phải có cả trách nhiệm và tình yêu thương thực sự.
Nhìn lại mối quan hệ của vợ chồng chị Thu Quỳnh, anh Đạt. Khi chỉ phía chị Thu Quỳnh gắng sức vun đắp, còn anh Đạt cho đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm vợ thì sự rạn nứt trong mối quan hệ của họ là điều khó tránh. Anh Đạt từ vô tâm với vợ con thành thờ ơ với chính tổ ấm của mình. Với con mắt của người đã sống gần hết cuộc đời, bà Bình nhìn ra được kết cục cuộc hôn nhân của con trai nhưng bà chỉ biết ước ao... “Trụ cột trong nhà không tạo được sự tin tưởng, không là chỗ dựa cho các thành viên thì sự mất gắn kết là chuyện sớm muộn”, bà Bình cay đắng nói với chị Hạnh hàng xóm như vậy.
Ngay trong cuộc hôn nhân của chị bạn tôi cũng vậy. Chị thuộc tuýp phụ nữ của gia đình. Ngoài công việc, chị gần như dành trọn thời gian cho chồng con. Bởi vậy, khi bị phản bội, chị rất sốc. Chị đã làm hết những gì cần thiết để kéo chồng về (trừ đánh ghen), nhưng mọi thứ không như chị nghĩ. Chồng chị vẫn không bỏ được tính trăng hoa. Cuối cùng, chị quyết định cho bản thân tối đa 3 năm để chờ đợi chồng quay về và sau này cho mình thêm 8 năm để bước ra khỏi cuộc hôn nhân ấy.
Trong cuộc sống, chuyện những ông chồng hoặc cũng có khi là những bà vợ ham vui, mải chạy theo cuộc vui bên ngoài mà quên đi mình đang có một gia đình cần được quan tâm, vun vén không hiếm. Minh chứng là mỗi tối ra đường, các quán nhậu, quán bar đông nghẹt. Có những vị khách ngồi tới khuya lắc khuya lơ chưa chịu về. Rồi những mối quan hệ ngoài luồng ngày càng nhiều trong xã hội. “Say nắng” hoặc ham vui là có, song nếu sự “say nắng” hay những cuộc vui cứ dài mãi, đi quá xa thì cũng sẽ đến lúc người bạn đời chán nản.
Có từng trải mới hiểu, ly hôn không phải là cái kết buồn nhất của cuộc hôn nhân. Bi đát nhất là sống trong cuộc hôn nhân nhưng tình yêu ban đầu được thay thế bằng một khoảng trống không gì bù đắp được. Và sự im lặng của đối phương đồng nghĩa với sự kết thúc lạnh lùng, đáng sợ nhất! |