
Đây là tuyến đường sắt liên vùng quan trọng, có tổng chiều dài hơn 403km, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Tuyến có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa Ga Lào Cai mới (TP Lào Cai) và Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, TP Hải Phòng. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 194.929 tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD.
Chính phủ yêu cầu áp dụng chính sách đặc thù, đặc biệt cho dự án này, tương tự như cơ chế đã được Quốc hội thông qua đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Bộ Xây dựng được giao làm cơ quan chủ quản, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai dự án đúng tiến độ.
Cụ thể, tiến độ triển khai các phần việc được yêu cầu như sau:
- Trong tháng 5: hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu tư vấn để thực hiện công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; đồng thời thực hiện các công việc liên quan thủ tục chỉ định thầu cho liên danh tư vấn thiết kế kỹ thuật tổng thể.
- Từ tháng 6: tiến hành khảo sát, lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể (bao gồm dự toán).
- Trong tháng 7: phối hợp với phía Trung Quốc để đàm phán, ký kết hiệp định xây dựng cầu chung tại khu vực biên giới; phấn đấu hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan.
- Trong tháng 8: hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi để Hội đồng Thẩm định Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tháng 12-2025: tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án, ký hợp đồng và khởi công xây dựng.
Dự án được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong kết nối giao thông liên vận quốc tế, góp phần nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là ngành logistics tại các địa phương phía Bắc.